Chị Liên, người từng mua “hụt” một dự án căn hộ trên đường Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình, Tp.HCM kể, đây là dự án chị đã "ngắm" từ năm 2010. Dự án này từ khi khởi công đã không suôn sẻ, có thời điểm căn hộ của dự án bị khách hàng bán tháo với giá chỉ 13-14 triệu đồng/m2. Rẻ thế nhưng chị Liên e ngại không dám xuống tiền do dự án đã qua vài ba lần đổi chủ. Đến nay, chung cư chuẩn bị được hoàn thiện, nên chị quyết định rủ vài người bạn cùng cơ quan đến mua ở cùng. Đến nơi, chị Liên "chóng mặt" với mức giá mới mà chủ đầu tư đề xuất. Giá bán đã được tăng từ mức 1,45 tỷ đồng lên 1,6 tỷ đồng cho căn hộ diện tích 70 m2 chỉ trong vòng vài tháng. Và dù dự án chưa giao nhà, nhưng chủ đầu tư yêu cầu trong vòng 6 tháng phải thanh toán 94% giá trị căn hộ.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Lý giải nguyên nhân không mua căn hộ tại dự án trên, chị Liên phân tích: “Với mức giá 1,6 tỷ đồng, mình có thể mua ngay một căn hộ đã hoàn thiện ở nhiều dự án gần đó. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư thứ cấp lại đang rao bán căn hộ tại Dự án có diện tích tương đương với giá chỉ 1,4 tỷ đồng”.
Cuối cùng, khi đã cân nhắc xong xuôi, chị Liên cùng nhóm bạn đã tìm mua căn hộ tại dự án chung cư đã xây dựng xong chỉ cách dự án trên khoảng 1 km, có diện tích tương đương nhưng chỉ có giá 1,2 tỷ đồng.
Một dự án khác là Masteri Thảo Điền (quận 2) có phương thức hợp lý hơn, không khiến người mua bị "sốc". Chủ đầu tư không tăng giá trực tiếp mà lại áp dụng chính sách ưu đãi về giá và vị trí trong đợt mở bán đầu tiên. Từ các đợt mở bán sau, khách hàng phải bốc thăm để chọn những căn hộ nằm tại vị trí đẹp và giá các căn hộ này có nhích hơn một chút. Theo một nhân viên tư vấn bất động sản, các căn hộ Masteri Thảo Điền có vị trí đẹp bán đợt 2 cao hơn so với đợt 1 khoảng 50 triệu đồng/căn.
Một khách hàng tên Hương cũng đến tham gia lễ mở bán cho rằng: “Với cách giải thích của nhân viên tư vấn và mức chênh khoảng 50 triệu đồng cho căn hộ có giá 1,4 tỷ đồng là có thể chấp nhận. Tuy nhiên, những khách hàng không đặt mua đợt đầu có cảm giác tiếc nuối với bài trước thấp, sau cao của chủ đầu tư”.
Với cách làm trên của chủ đầu tư, một số khách hàng đã “lướt sóng” kiếm được một khoản tiền nho nhỏ từ việc mua đi - bán lại căn hộ dự án này.
Ngoài phương thức tăng giá bán như "dội bom" khách hàng thì nhiều chủ đầu tư cũng lựa chọn phương án khôn ngoan hơn. Chẳng hạn tại quận 12 hiện có hai dự án nhà ở thương mại giá thấp được khách hàng ưa chuộng là Hưng Ngân Garden và Tecco Green Nest. Trong khi Hưng Ngân chọn cách thu hút dòng tiền đầu cơ bằng việc tăng giá nhẹ nhằm tạo cảm giác khan hàng, thì Tecco Green Nest áp dụng chiến thuật ngược lại. Sau khi bán xong Block A, giá bán Block B, C của Tecco Green Nest có giảm một chút để hút khách hàng.
Đại diện của Tecco Green Nest cho biết, đây là chiến lược bán hàng của công ty này, theo đó công ty sẽ luôn có sự nhất quán về chính sách giá, khách hàng phải được hưởng lợi trước, sau đó mới đến lợi nhuận của DN, có như vậy kinh doanh mới bền.
Trước những động thái trái ngược nhau của các chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng: “Việc tăng hay giảm giá là nằm trong chiến thuật bán hàng của từng chủ đầu tư với từng dự án, từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc tăng giá tại thời điểm này giống như con dao hai lưỡi. Hiện nguồn cung căn hộ trên thị trường rất lớn, lượng hàng tồn trong các nhà đầu tư thứ cấp vẫn còn rất nhiều. Khi chủ đầu tư tăng giá nhanh sẽ chỉ tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư thứ cấp đẩy hàng, chứ không hẳn là cơ hội bán hàng của mình”.
Trong một báo cáo thị trường mới đây, Savills Việt Nam cũng nhận định, thị trường bất động sản có nhiều nền tảng để kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2015 này, nhưng hoạt động đầu cơ tăng mạnh có thể gây tác động tiêu cực. Một số dự án ở cả thị trường phía Bắc và phía Nam đã xuất hiện những nhà đầu cơ găm cả sàn chung cư chờ giá lên.
Cùng với đó, việc một số chủ đầu tư thấy thị trường ấm lên cũng tăng giá khá mạnh nhằm kỳ vọng lợi nhuận cao. Điều nguy hiểm là ở chỗ, động thái này có thể "giết chết" niềm tin vừa mới manh nha của người tiêu dùng vào thị trường.