Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho biết, dù đã có dấu hiệu chững lại so với các năm trước nhưng nhìn chung thị trường BĐS vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng. Ông Lê Hoàng Châu nhận định: "Dù vậy năm 2018 sẽ không có nguy cơ bong bóng hay đóng băng của thị trường mà thị trường sẽ phát triển theo xu thế bền vững".
Ông Châu kỳ vọng, thị trường BĐS sẽ đón nhận một dòng vốn mới từ làn sóng chuyển nhượng nhờ những quyết sách mới từ Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Ông Châu nói: "Đang có khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng có liên quan đến các dự án BĐS. Nếu chúng ta cố gắng xử lý được 80% từ đây đến năm 2020, thì sẽ có khoảng 150.000 tỷ đồng quay trở lại thị trường, tái khởi động lại các dự án".
Thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ đón nhận một dòng vốn mới từ làn sóng chuyển nhượng |
Năm 2017, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận khoảng 29 dự án mua bán chuyển nhượng. Tuy nhiên, mới chỉ 11 thương vụ được cơ quan quản lý chấp thuận. Nghị quyết 42 nếu được thực hiện sẽ mang đến một làn sóng M&A. Hơn nữa, đó còn là cơ hội từ chủ trương di dời nhà máy ra ngoại thành của các doanh nghiệp nhà nước hay sắp xếp lại văn phòng nơi làm việc, mặt bằng. Ông Châu nhận định: "2018 là năm giữ được sự ổn định khi hầu hết các chủ thể tham gia trên thị trường đều thông minh hơn, có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận hợp lý hơn so với thời kỳ tìm kiếm siêu lợi nhuận như những năm trước".
Tiến sỹ Luật sư Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM cho rằng, sau khi Nghị quyết 42 được thực hiện, cho phép các ngân hàng xử lý nợ nhanh hơn, nguồn cung các dự án BĐS sẽ tăng lên. Cùng với đó, 6 nhà (người mua nhà, nhà môi giới, chủ đầu tư, nhà nước, ngân hàng và nhà đầu tư chứng khoán) sẽ thu được nhiều lợi ích nhờ lãi suất ổn định và giảm dần.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ. Như Thông tư 06 của NHNN quy định, từ năm 2018, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn của các ngân hàng sẽ buộc phải giảm từ 60% (năm 2016) xuống còn 40%. Điều này có thể khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn, dù các tổ chức tín dụng vẫn sẽ hỗ trợ các dự án khả thi, các chủ đầu tư uy tín. Ông Châu đề xuất: "Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp BĐS cần quan tâm, nghiên cứu thêm các kĩ thuật huy động vốn từ thị trường chứng khoán".