Nói một cách chính xác, thiết kế nội thất là nghệ thuật hay quá trình thiết kế trang trí nội thất cho một căn phòng hay một tòa nhà. Nhưng trên thực tế, công việc thiết kế nội thất không chỉ gồm việc phân khu chức tranh các phòng, bố trí các phương tiện sinh hoạt, treo một bức tranh, tìm chỗ đặt sofa hay bồn rửa chén bát. Thiết kế nội thất toàn diện hơn thế, là sự phối hợp hài hòa màu sắc, ánh sáng, thẩm mỹ kiến trúc, vật trang trí tạo nên một môi trường sống, làm việc thuận tiện, thoải mái và cả niềm tự hào cho chính những người sống trong đó.
Lịch sử hình thành thiết kế nội thất
Nhìn từ góc độ chuyên môn, thiết kế nội thất thực sự bắt nguồn từ thế kỷ 20, mặc dù ngành công nghiệp thiết kế nội thất ngày nay vẫn không ngừng phát triển. Trong lịch sử, thiết kế bên trong nhà chủ yếu dựa vào cảm tính. Vì thế, những người nội trợ nghiễm nhiên trở thành những nhà thiết kế nội thất đóng vai trò chủ chốt (và duy nhất) trong giai đoạn từ thế kỷ 17 cho tới thế kỷ 19.
Ngày nay, một nhà thiết kế nội thất cần phải được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, chuyên môn nhằm nâng cao chức năng và chất lượng của không gian nội thất. Kể từ thời đại công nghiệp hóa và sự phát triển của tầng lớp trung lưu, con người kỳ vọng nhiều hơn về không gian cá nhân và không gian làm việc, và thiết kế nội thất sẽ giúp cải thiện điều đó.
Trang trí nội thất và thiết kế nội thất
Nhiều người nhầm lẫn rằng thiết kế nội thất và trang trí nội thất là những cái tên thay thế cho nhau. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là hai công việc song hành nhưng khác biệt.
Thiết kế nội thất và trang trí nội thất là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn.
Sự khác biệt giữa nhà thiết kế nội thất và nhà trang trí nội thất khá rõ ràng. Chuyên môn của người làm nghề thiết kế nội thất có hai yếu tố quan trọng là mỹ học và khoa học kỹ thuật. Như vậy, ngoài chuyên môn về thẩm mỹ, nhà thiết kế nội thất phải am hiểu về kết cấu, kỹ thuật và các giải pháp công năng cho không gian. Còn chuyên môn của người làm nghề trang trí nội thất chủ yếu hướng tới tính thẩm mỹ.
Nhà thiết kế nội thất sẽ góp mặt vào dự án xây dựng ngay từ đầu, họ kết hợp với kiến trúc sư trong việc quy hoạch không gian, thiết kế và cải tạo nội thất, thực hiện công việc lập kế hoạch sàn ban đầu cho tới khi đặt dấu trang trí cuối cùng. Nhiệm vụ của nhà thiết kế nội thất là tạo ra không gian có công năng hoàn hảo, an toàn, tiện nghi, thoải mái và đẹp mắt.
Nhà trang trí nội thất sẽ đảm nhiệm công việc ở giai đoạn sau với vai trò tạo ra một diện mạo có thẩm mỹ, hấp dẫn với người cư ngụ thông qua việc trang trí, chọn đồ nội thất, ánh sáng, kiểu vải, sơn, mô-típ trang trí... tạo nên một tổng thể hài hòa, phản ánh tính cách của chủ nhà.
Vai trò của thiết kế nội thất
Thiết kế nội thất là người bạn đồng hành hay chính xác hơn nó là một bộ phận không thể thiếu của ngành kiến trúc. Nội thất là không gian bên trong công trình để sinh hoạt, làm việc, giải trí hay thư giãn. Nếu ví kiến trúc là phần xác thì nội thất chính là phần hồn. Kiến trúc dù đẹp nhưng nội thất không hợp lý thì sẽ gây khó khăn cho quá trình sinh hoạt của những người sống trong đó. Bạn muốn sở hữu một không gian hoàn hảo cả về công năng lẫn thẩm mỹ thì thiết kế nội thất đóng vai trò tiên quyết.
Thử tưởng tượng, một công trình dù có quy mô hoành tráng, hình khối độc đáo và diện mạo hiện đại nhưng phần trang trí nội thất và các không gian bên trong kém tiện dụng, thiếu sự hài hòa về thẩm mỹ thì cũng chưa thể coi là hoàn thiện.
Như vậy, thiết kế nội thất giống như cánh tay nối dài trong việc hoàn thiện, mang đến sức sống cho mỗi công trình. Vì thế, thiết kế nội thất ngày càng được quan tâm, chú trọng nhiều hơn.
6 thành phần của không gian nội thất
Để tạo ra một bữa tiệc thịnh soạn, người đầu bếp không thể thiếu các loại thực phẩm, gia vị… Tương tự, các kiến trúc sư xây dựng cần có nhiều vật liệu khác nhau như gạch, xi măng, cát, sắt, thép… để biến ý tưởng trên bản vẽ thành công trình hiện thực. Vâỵ các nhà thiết kế cần có những "vũ khí" gì trong tay để biến một căn phòng trống rỗng, vô hồn thành không gian nội thất và tiện lợi vừa giàu tính thẩm mỹ?
Thành phần cố định
Đây là những thành phần mà nhà thiết kế nội thất được thừa hưởng từ kiến trúc sư công trình, gồm tường, sàn, trần, cửa ra vào, cửa sổ… Đó là những yếu tố nền tảng, ảnh hưởng tới màu sắc chủ đạo, cách bài trí công năng và cảm quan thẩm mỹ của một không gian. Nhiệm vụ của nhà thiết kế là lựa chọn phong cách phù hợp nhằm tác động đến cảm nhận thẩm mỹ của mọi người ngay khi bước chân vào trong không gian đó.
Phòng khách được thiết kế theo phong cách hiện đại.
Gia chủ muốn sống trong một không gian nhẹ nhàng, thanh lịch, trẻ trung cá tính hay không gian sang trọng, đẳng cấp? Phong cách thiết kế sẽ là kim chỉ nam dẫn đường, định hướng các yếu tố còn lại. Trên thực tế, gia chủ không nhất thiết phải đưa ra ý tưởng cụ thể mà chỉ cần nói ra phong cách mình yêu thích như Hiện đại, Rustic, Cổ điển, Tân cổ điển, Bắc Âu hay Tối giản. Tùy từng khuynh hướng mà sẽ có những chuẩn mực, đặc trưng riêng về màu sắc, chất liệu, đồ trang trí… Sau đó, dựa vào tư duy và sự sáng tạo của nhà thiết kế mà họ sẽ điều chỉnh, kết hợp các yếu tố lại với nhau tạo nên một không gian sống hoàn toàn riêng biệt.
Lưu ý, khi lựa chọn phong cách thiết kế, cần tránh xung đột với phong cách mà kiến trúc sư đã gửi gắm vào công trình. Chẳng hạn, một công trình có kiến trúc hiện đại, đơn giản và thanh thoát thì không nên song hành cùng không gian nội thất cổ điển với những đường nét uốn lượn, hoa văn cầu kỳ, phức tạp.
Trang thiết bị chức năng
Đó là những vật dụng phục vụ công năng trong không gian nội thất. Việc lựa chọn dáng và cách bố trí bàn, ghế, tủ không đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng mà còn góp phần quan trọng trong việc định hình phong cách thiết kế. Ví dụ, trong phòng khách không thể thiếu bộ bàn tiếp khách và phòng ngủ sẽ cần có giường, tủ quần áo… Bên cạnh đó, các trang thiết bị khác như đèn chiếu sáng, rèm cửa, thảm trải sàn, kệ sách, khăn trải bàn… cũng vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho không gian nội thất.
Giường, tủ quần áo là những trang thiết bị không thể thiếu trong phòng ngủ.
Vật thể trang trí
Nhà thiết kế thường đưa thêm vào “tác phẩm” của mình các món đồ trang trí như tranh ảnh, lọ hoa, tượng… để làm tăng thêm sự sinh động và phong phú cho không gian nội thất. Mặc dù các vật thể này chỉ có có mục đích trang trí mà không có chức năng cụ thể nào nhưng sẽ làm tăng thêm nét cá tính cho không gian.
Lọ hoa trang trí mang đến sức sống cho căn phòng.
Ánh sáng
Dù không thể cầm, nắm hay sờ được nhưng ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng trong không gian nội thất. Ánh sáng được sử dụng trong thiết kế nội thất gồm ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Trong đó, ánh sáng tự nhiên được cung cấp thông qua hệ thống cửa, giếng trời nên người thiết kế phải nghiên cứu các yếu tố tự nhiên của công trình ngay từ bước đầu tiên để có thể bố trí các không gian cho phù hợp và khoa học.
Cửa sổ kính giúp căn hộ đón nhận được tối đa ánh sáng tự nhiên vào buổi sáng.
Ánh sáng nhân tạo chủ yếu là hệ thống đèn điện, hiện rất đa dạng và phong phú về kiểu dáng, chất lượng và cường độ sáng. Người thiết kế cần nghiên cứu những yếu tố này cũng như tâm lý, thói quen và sở thích của người sử dụng để tìm ra cách bố trí hợp lý nhất.
Âm thanh
Âm thanh là thứ mà chúng ta không thể sờ và cũng chẳng thể thấy được nhưng lại hỗ trợ đắc lực trong việc gia tăng cảm xúc và tạo bầu không khí lãng mạn cho thiết kế nội thất. Các nghiên cứu khoa học đều chứng minh rằng, âm thanh dễ chịu tạo cảm giác thư thái, hạnh phúc, giúp cơ thể lấy lại cân bằng và khỏe mạnh hơn.
Âm thanh du dương của tiếng đàn tạo nên những giây phút thư thái, thoải mái.
Âm thanh tác động đến tinh thần, kích thích sự phát triển của não bộ, từ đó phần nào chi phối cuộc sống của con người. Do đó, một nhà thiết kế dày dặn kinh nghiệm nhất định phải biết cách tận dụng tối đa sức mạnh của âm thanh trong không gian nội thất để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.
Chất liệu, vật liệu sử dụng
Một không gian đẹp không chỉ xuất phát từ cách bố trí, sắp đặt đồ nội thất, màu sơn hay các chi tiết trang trí... mà còn phụ thuộc nhiều vào vật liệu được sử dụng. Nếu lựa chọn vật liệu một cách thông minh, tinh tế thì không gian nội thất sẽ khoác lên một tấm áo mới hoàn hảo, có cá tính.
Sự đa dạng của vật liệu trong thiết kế nội thất.
Minh Châu
>> Dự báo 17 xu hướng thiết kế nội thất năm 2020