Vừa qua, UBND quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội đã có Công văn số 1091/UBND-QLĐT gửi Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị hướng dẫn giải quyết cho nhiều trường hợp xin xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở để thuê mua, mua nhà ở xã hội. Hiện nay, hàng trăm trường hợp trên địa bàn quận Hoàng Mai có yêu cầu xá nhận thực trạng nhà ở. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay không biết xác nhận ra sao.
Hiện nay, nhiều địa phương vẫn lúng túng không biết xác nhận tình trạng nhà ở cho người mua nhà thế nào. (Ảnh minh họa, nguồn: internet) |
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Mạnh Hoàng cho biết, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP (ngày 20/11/2013) của Chính phủ về phát triển, quản lý nhà ở xã hội và các thông tư có liên quan đề cập nhiều vấn đề về xây dựng, quản lý, đầu tư nhà ở xã hội.
Nhưng các các văn bản này lại chưa có hướng dẫn về trình tự thủ tục giải quyết và hồ sơ, cơ quan xác nhận, xác minh tình trạng về hộ khẩu, thực trạng nhà ở của các đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và trách nhiệm của các đơn vị trong việc xá nhận, xác minh cho các đối tượng được áp dụng chính sách ưu đãi. Vì thế, lãnh đạo quận Hoàng Mai đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội có hướng dẫn bằng văn bản để chính quyền địa phương có cơ sở hướng dẫn và thực hiện.
Câu chuyện vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục, hồ sơ cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội đã được đề cập nhiều và chắc chắn không chỉ là chuyện riêng của quận Hoàng Mai, tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được lời câu trả lời rõ ràng.
Mới đây, tại Hội thảo “Nhà ở xã hội tại Việt Nam – bài học từ kinh nghiệm quốc tế”, do Bộ Xây dựng tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, Bộ Xây dựng ủng hộ việc khách hàng có thể mua nhà ở xã hội với chỉ một con dấu. Cụ thể, người dân chỉ cần “một con dấu” xác nhận về tình trạng nhà ở và thu nhập tại cơ quan nơi làm việc. Nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào từ phía cơ quan chức năng về vấn đề trên.
Được biết, tại những dự án nhà ở xã hội đã khởi công xây dựng và đủ điều kiện mở bán tại Hà Nội, như khu nhà thu nhập thấp Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm)... người dân gặp nhiều khó khăn trong việc xác nhận thực trạng nhà ở để đăng ký thuê, mua nhà.
Ngoài ra, một khó khăn khác mà khách hàng đăng ký mua nhà ở gặp phải là việc xác định đối tượng và điều kiện cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội. Mới đây, tại buổi sơ kết chương trình cho vay ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng do Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức, Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú băn khoăn, hiện BIDV đang triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên, khi đưa vào thực tế thì rất khó khăn. Văn bản pháp luật hiện nay quy định, thu nhập thấp là thu nhập dưới 5% so với mức thu nhập trung bình của tỉnh, thành, nhưng nhiều tỉnh, thành hiện chưa có thống kê về thu nhập trung bình. Hơn nữa, lao động tự do thì ai xác nhận thu nhập?
GS.TSKH.Đặng Hùng Võ nhận định, Việc triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn vì khi thực hiện còn nặng tính bao cấp. Bên cạnh những khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính thì với giá 13-15 triệu đồng/m2, giá nhà ở xã hội cũng ngang với nhà thương mại, có khi còn cao hơn nhà thương mại ở nhiều dư án, trong khi đó chất lượng không thể bằng nhà ở thương mại.
Hiện chúng ta đang tính đủ đầu vào, đầu ra và lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư... vì phương thức bao cấp đó dẫn đến nhà ở xã hội không có cạnh tranh về giá và Nhà nước tự xác định giá, trong khi nhà ở thương mại thi nhau xuống giá. Thực tế đó đang khiến chương trình xây dựng nhà ở xã hội ngày càng "mất điểm" trong mắt khách hàng, GS.TSKH.Đặng Hùng Võ nói.