Kiến trúc này làm người chiêm ngưỡng có cảm giác rối loạn, không có trật tự và hỗn độn của các khối hình học phức tạp đan xen nhau, bị cắt vát, bo cạnh tròn, xoắn, uốn...
Công trình trung tâm chiếu phim UFA - Dresden (UFA Cinema Center Dresden), Đức, là một ví dụ điển hình cho xu hướng kiến trúc như thế.
Phác họa hình dáng kiến trúc
Mô hình máy tính tòa nhà UFA
Lần đầu tiên chiêm ngưỡng công trình, chắc hẳn ai cũng giật mình đến ngỡ ngàng vì sự phá cách của một lối nghệ thuật tự do và độc đáo. Hình dáng của tòa nhà có lẽ giống một chú ếch trong phim hoạt hình đang muốn nhảy vào không gian huyền bí…
Tòa nhà UFA Cinema Center được xây dựng từ tháng 2-1997, đến tháng 3-1998 hoàn thành. Tổng diện tích xây dựng 1.847 m2, diện tích sử dụng 6.174 m2, kinh phí xây dựng 16,36 triệu EUR (ước tính giá thành khoảng 2.340 EUR/m2) phục vụ 2.668 chỗ ngồi với 8 màn ảnh chiếu phim. Trung tâm UFA được thiết kế bởi KTS Tom Wiscombe của công ty thiết kế nổi tiếng CoopHimmelb(l)au, phần tính toán kết cấu do Bollinger & Grohmann thực hiện.
Tòa nhà trung tâm UFA được chia làm hai phần rõ rệt, một nửa bên là kính và nửa bên còn lại làm bằng bêtông cốt thép. Phần bêtông nằm ngoài mặt đường chính St. Petersburger Straße dọc bến xe điện, là nơi bố trí của hơn 2.600 chỗ ngồi và với một sảnh rộng rải dưới tầng trệt dùng cho việc bán vé và thức ăn nhanh.
Phần nhà kính nằm ở phía trong so với mặt đường chính nhưng lại là hướng thuận lợi nhất cho du khách chiêm ngưỡng vì nó hướng ra con đường mua sắm nhộn nhịp nhất Dresden (Pragerstraße) nối từ nhà ga chính (Haupbahnhof) đến trung tâm thương mại lớn như Almarkt Galerie, Centrum Galerie, Karstadt… Phần diện tích này chủ yếu dùng cho không gian chung, ăn uống, hành lang và cầu thang lên các tầng.
Do tòa nhà nằm nghiêng, không gian bên trong cũng không theo một dạng hình học cụ thể nào nên việc bố trí các cầu thang, sàn chiếu nghỉ, kể cả trang trí cũng phải hết sức linh hoạt và uyển chuyển nhằm tạo nên một không gian hữu ích và hài hòa. Phần kiến trúc nổi bật trong nhà kính là sàn chiếu nghỉ được tạo hình như một đồng hồ cát - nơi được dùng như một phòng chờ bên ngoài.
Mặt trước hướng ra trục lộ chính St. PetersburgerStrasse
Cổng vào (phía sau) nhìn từ trong ra
Nghiêng ngả bóng công trình dưới nền trời xanh trong
Tải trọng toàn bộ kính, cầu thang, khung giàn thép, khán giả đặt lên hai trụ bêtông
Được làm bằng kính dày màu xanh, tòa nhà trở nên huyền ảo dưới ánh đèn đêm với nhiều màu sắc lung linh nổi bật trên nền trời đêm. Lúc đẹp trời, hình ảnh nghiêng ngả của các tòa nhà hay xe cộ xung quanh in bóng và phản chiếu qua bề mặt kính làm công trình thêm sinh động. Điều đó đã làm du khách có những cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp và sự quyến rũ của công trình độc đáo này.
Sảnh rộng bên dưới rạp là nơi bán vé và dịch vụ ăn uống
Một chiếu nghỉ được trang trí giống như đồng hồ cát
Nếu vừa xem một bộ phim ấn tượng, lúc bước ra khỏi tòa nhà đôi khi bạn còn có ảo giác như vừa bước từ trong một màn ảnh phim ra bên ngoài. Tất cả những đặc điểm ấy đã tạo cho công trình một nét đặc biệt thú vị, thu hút và giữ chân du khách và khán giả.
Đây là một trong những kiến trúc tiêu biểu và độc đáo của xu hướng giải tỏa kết cấu được thiết kế bởi Công ty CoopHimmelb(l)au danh tiếng. Hãy cảm nhận những nét độc đáo mới lạ của lối kiến trúc hiện đại này một khi bạn có dịp đến với thành phố cổ Dresden.