Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa cho biết, khi có những mốc giá chào bán cao đến mức không tưởng bất ngờ xuất hiện trên thị trường địa ốc, đó không chỉ đơn giản là hành vi mặc cả mà còn chứa nhiều ẩn ý phía sau. Theo ông Quang, có ít nhất 4 lý do dẫn đến hành vi thổi giá bất thường này.
Thứ nhất, hét giá cao vì chưa muốn bán
Một ngôi nhà phố được chào bán với giá cao nhất khu vực, hét cao gấp 2-3 lần, thậm chí là đắt kỷ lục so với những ngôi nhà nằm cùng khu vực, cùng vị trí, có nhiều khả năng chủ nhà chưa có nhu cầu bán thực. Vì không có nhu cầu bán nên chủ nhà đã hét giá cao ngất ngưởng, như một lời thách đố đối với tất cả các đối tượng có nhu cầu mua. Tuy nhiên, mức giá chào bán này lại vô tình tạo nên hiệu ứng lây lan thông tin ảo, làm nhiễu loạn thị trường nhà đất.
Thứ hai, hét giá cao nhằm tạo sóng xả hàng
Với trường hợp này, người bán đã hét giá nhà phố lên mức cao ngất ngưởng nhằm gây nên những cơn sóng ảo. Đây là một trong những thủ thuật được giới buôn địa ốc sử dụng để tạo sóng cho thị trường. Trước hết, người buôn sẽ chọn một căn nhà phố nằm ở vị trí đẹp (thường là căn góc có 2 mặt tiền) rồi đưa ra cột giá chào bán cao đột biến trên một tuyến đường, con hẻm, hay một khu dân cư.
Động thái đưa ra giá chào bán rất cao cho món hàng mẫu này thực chất là ngụ ý cố tình thiết lập mặt bằng giá tham chiếu mới cao hơn trước đây của giới đầu cơ. Tiếp đến, những người này sẽ tung ra các sản phẩm còn lại với số lượng hạn chế để chào bán với mặt bằng giá mới. Đây là một thủ thuật xả hàng khá tinh vi, vì vậy, thường chỉ có người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm, bởi, dù xả hàng với giá nào thì người bán vẫn nắm chắc phần lãi.
Rao bán nhà phố với giá cao ngất ngưởng là một trong những chiêu tạo sóng ảo
của giới buôn địa ốc. Ảnh: Trần Quỳnh
Thứ ba, hét giá cao vì nắm được nhu cầu bức thiết của người mua
Cũng có những trường hợp nhà đất được hét với giá cao đến mức kỷ lục, bất chấp quy luật thị trường, đó thường là những ngôi nhà, hay mảnh đất nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt hoặc là "độc nhất vô nhị". Rất có thể tài sản được rao bán đó là mảnh ghép duy nhất còn sót lại tại một dự án hoặc một cụm nhà cần hợp khối.
Ví dụ: Căn nhà phố nằm trên cụm bất động sản đã được một chủ thu mua từ trước, vì cần hợp khối các công trình này lại nên bên mua phải chấp nhận mọi mức giá của bên bán, dù là bị hét cao đến mức "cắt cổ". Một khu đất nằm ở vị trí mở tuyến đường lớn dẫn vào dự án cũng sẽ được người bán chào đắt gấp 4-5 lần so với mặt bằng chung của toàn khu vực. Với trường hợp này, giá bất động sản được hét cao kỷ lục là do bên bán nắm rõ "thóp" buộc phải mua bằng mọi giá của khách.
Thứ tư, hét giá cao để đánh lạc hướng đơn vị định giá
Không phải chỉ khách mua nhà đất, mà ngay cả nhà băng hoặc các đơn vị tư vấn, thẩm định giá cũng là đối tượng bị nhắm đến trong cơn sóng thổi giá nhà. Bởi, tham chiếu giá thị trường là một trong những quy tắc thẩm định giá phổ biến hiện nay.
Giới đầu cơ nắm được kẽ hở này đã sử dụng chiêu chào bán giá ảo cao hơn vài lần so với giá trị thật trong thời gian dài, khiến mặt bằng giá khu vực bị nhiễu loạn. Chính chiêu hỏa mù này đã khiến khâu định giá nhà đất khó có thể chính xác tại một thời điểm ngắn hạn.
Mục đích của chiêu chào bán giá cao tới mức phi thực tế này là khiến các đơn vị định giá bị lạc hướng, thúc đẩy các tổ chức tín dụng cho vay dòng vốn cao hơn so với mức bình thường. Đây cũng là điểm lý giải vì sao sốt đất và nợ xấu bất động sản tại nhiều ngân hàng thường có mối liên hệ mật thiết với nhau.