Năm 2014, Tp.HCM đã có khoảng 14.000 căn hộ được mở bán và trong năm nay, nguồn cung căn hộ sẽ tiếp tục tăng mạnh khi dự kiến có khoảng 22.000 căn được đưa ra thị trường.
Hiện tại, thị trường BĐS hồi phục mạnh, các ngân hàng đang đua nhau tăng cường bơm vốn tín dụng cho nhà đất, đẩy tăng trưởng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực này tăng cao. Trong quý I vừa qua, tại Tp.HCM, tín dụng BĐS đã tăng khoảng 10% so với thời điểm cuối năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng vào BĐS trong quý II này cũng được kỳ vọng sẽ còn cao hơn khi một loạt ngân hàng đều đang thực hiện rót những gói tín dụng lớn dành cho địa ốc.
Điển hình như từ 1/4, Vietcombank thông báo dành 10.000 tỷ đồng cho vay mua, sửa nhà; Sacombank công bố dành 3.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi mua, xây, sửa chữa nhà ở; BIDV dành 5.000 tỷ đồng để cho vay mua, xây, sửa nhà từ ngày 20/3 tới 31/8... Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng mong muốn đẩy mạnh cạnh tranh nên đã cho vay mua nhà ở với tỷ lệ rất lớn, vào mức 70-80, thậm chí là 90% giá trị ngôi nhà càng khiến thị trường chung cư sôi động theo tín dụng ngân hàng.
Lượng giao dịch căn hộ tăng mạnh trở lại chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã đẩy giá bán nhà tăng lên, giá bán căn hộ bình quân đã tăng từ 5-7% thời gian vừa qua. Thêm nữa, nếu như thời gian 2 năm trước, chỉ những dự án căn hộ đã hoàn thiện, khách hàng có thể dọn vào ở ngay mới được chọn mua thì hiện nay, khi thị trường tăng trưởng nóng, rất nhiều dự án chỉ vừa bắt đầu xây dựng đã đồng loạt mở bán, thu tiền từng đợt dựa theo tiến độ - một cách mượn vốn của khách hàng để phát triển dự án.
Nhà mẫu tại một dự án được đưa ra chào bán đã thu hút đông đảo khách hàng quan tâm |
Ông Tuấn, đại diện một dự án BĐS ở quận 7 đã giải thích về lý do tăng giá nhà. Theo ông, chủ đầu tư phải chi phí cho các sàn giao dịch BĐS hoặc đại lý môi giới chứ doanh nghiệp không có hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Bên cạnh gánh thêm khoản tăng giá bán nhà của chủ dự án, khách hàng còn phải chịu thêm khoản lãi suất ngân hàng phát sinh từ việc cho vay tiền mua nhà ồ ạt hiện tại nên giá trị căn hộ sẽ không chỉ dừng lại ở giá chào bán.
Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, dù nhu cầu về nhà ở của người dân cao nhưng giá bán căn hộ chung cư đã được chủ dự án tăng lên ở thời điểm này là chưa hợp lý. Nguyên nhân là do tại Tp.HCM, vẫn còn tới 680 dự án nhà ở dở dang đang phải nằm án binh bất động hoặc tạm ngưng do yếu vốn. Khi tiêu thụ đang tăng trở lại như thời điểm hiện tại, các chủ dự án này sẽ bằng cách nào đó để tiếp tục tái khởi động công trình. Trong số đó, cách hiệu quả nhất vẫn đang là huy động phần lớn số vốn xây dựng dự án từ người đăng ký mua căn hộ chung cư.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Luật Kinh doanh BĐS bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 sắp tới đã đưa ra quy định, chủ dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai bắt buộc phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực tài chính bảo lãnh phần nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với khách hàng.
Ưu điểm của quy định mới này là bảo vệ tuyệt đối, không để xảy ra rủi ro cho khách hàng khi thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, khi đem quy định này áp dụng cho tất cả chủ dự án BĐS hình thành trong tương lai mà không phân biệt số đông chủ đầu tư có trách nhiệm, có năng lực thật sự, uy tín thương hiệu với một số ít chủ đầu tư không có uy tín, kém năng lực hoặc thậm chí lừa đảo... sẽ làm phát sinh thêm một khoản chi phí mới nằm trong cơ cấu giá thành sản phẩm mà người mua nhà phải gánh chịu.