Nhận định trên được Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ với phóng viên.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam |
- Hiện nay, thị trường BĐS đang “ấm” dần nhưng dường như khách hàng vẫn còn hoang mang về mức độ tin cậy của các thông tin trên thị trường như nguồn cung, giá... Ông có thể đưa ra bình luận về vấn đề này?
Thị trường BĐS luôn có thông tin thật, thông tin ảo, thông tin của nhà môi giới, chủ đầu tư... với các mục đích khác nhau của các đối tượng tham gia vào thị trường. Đơn cử, thông tin về tình trạng “sốt” nhưng là "sốt ảo", hiện tượng khan hiếm nguồn cung nhà ở song khan hiếm giả tạo... là do cách cung cấp thông tin của người bán.
Các thông tin ảo này chính là chiêu bán hàng của những đơn vị phân phối hay chủ đầu tư nhưng luật pháp lại không thể can thiệp. Vì thế, đòi hỏi người tiêu dùng phải thông minh trong vấn đề tiếp cận, so sánh và chọn lựa thông tin. Nhất là khi đưa ra quyết định mua nhà của khách hàng cần tham khảo sự tư vấn của những người đủ chuyên môn như giới luật sư để có các quyết định đúng đắn, tránh gặp phải các rủi ro đáng tiếc.
- Thưa ông, nói như vậy chúng ta dường như không có cách để khắc chế các thông tin gây “nhiễu” thị trường BĐS?
Bộ Xây dựng hiện nay đang soạn thảo Thông tư để siết chặt hoạt động của sàn giao dịch BĐS, đội ngũ những người làm môi giới địa ốc, góp phần làm lành mạnh, minh bạch thị trường, bảo đảm quyền lợi của người khách hàng. Nhưng sẽ có các hoạt động mà quy định pháp luật không thể can thiệp được. Trong trường hợp này, sự phản ứng của khách hàng sẽ điều tiết được các hoạt động tiêu cực của thị trường nhà đất.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS 6 tháng cuối năm chưa thể "sốt nóng". Ảnh: Bizlive |
Đơn cử, việc "thổi giá", “làm giá” do đơn vị môi giới, chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư bắt tay với các sàn giao dịch BĐS làm. Đó được xem là hoạt động thiếu sự chuyên nghiệp, gây ra các rủi ro cho chính đơn vị bán hàng cũng như chủ đầu tư bởi khi phát hiện ra người tiêu dùng sẽ quay lưng, dự án sẽ “chết”.
- Ông nhận định như thế nào về thị trường BĐS nửa cuối năm, nhất là trong bối cảnh Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã chính thức có hiệu lực?
Tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2014, 6 tháng cuối năm 2015, thị trường sẽ có những chuyển động theo hướng tích cực, dự báo nguồn cầu, nguồn cung sẽ tăng. Nhưng mức độ sôi động sẽ chưa cao, nhất là chưa thể xảy ra hiện tượng sốt nóng hay bong bóng BĐS như các giai đoạn trước.
Còn mặt bằng giá sẽ có dấu hiệu chuyển dịch theo hướng đi lên nhưng mức độ tăng giá không lớn, không khiến thị trường căng thẳng. Đồng thời, sự tăng giá cũng chỉ diễn ra ở nhóm các dự án có chất lượng tốt, thuận tiện giao thông, chủ đầu tư uy tín, dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ đầy đủ...
Bắt đầu từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới như cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam; nâng mức vốn pháp định thành lập doanh nghiệp; bỏ quy định giao dịch BĐS phải thông qua sàn; phải có sự bảo lãnh của ngân hàng trong việc cho thuê, bán nhà ở hình thành trong tương lai... Theo đó, các chính sách, quy định mới này đang được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp thị trường BĐS phát triển một cách chuẩn mực hơn, sẽ sàng lọc các doanh nghiệp BĐS, hạn chế doanh nghiệp làm ăn chộp giật, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
- Trân trọng cảm ơn ông!