Tại Hội nghị phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng (IRED) , đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM cho biết, hiện vẫn còn rất ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án PPP của Tp.HCM và chỉ khoảng 1% nhà đầu tư ngoại tham gia vào sân chơi này. Dù có nhiều chính sách khuyến khích kêu gọi, sau nhiều năm đây vẫn chỉ là sân chơi trong nước.
Số liệu từ Sở Kế hoạch cho thấy, tính từ năm 1990 đến nay, Tp.HCM vẫn chỉ có một dự án PPP có nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Mô hình PPP không mới ở Việt Nam, vậy nguyên nhân nào khiến các dự án PPP chỉ có các nhà đầu tư trong nước mà không thu hút được sự quan tâm của khối ngoại?
Theo chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp nước ngoài, thách thức lớn nhất khi đầu tư hạ tầng vào Việt Nam là vấn đề pháp lý. Cụ thể, quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu với những dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng không được thấp hơn 20%. Với các dự án có tổng vốn trên 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu phải tối thiểu từ 10%m tổng vốn. Nghĩa là, nhà đầu tư phải có ít nhất 300 tỷ đồng để đáp ứng điều kiện thứ nhất cộng thêm 10% số vốn còn lại (phần vốn vượt mức 1.500 tỷ đồng) của tổng mức đầu tư.
Nghị định 63 về đối tác công tư, tuy không yêu cầu về giấy phép đăng ký đầu tư nhưng nhà đầu tư vẫn phải chứng minh tài chính để vay vốn phát triển dự án. Trong 90 ngày, nhà đầu tư phải đóng góp 20% vốn chủ đầu tư sở hữu cho công tác chuẩn bị phát triển dự án. Nếu mất 5 năm triển khai dự án thì nhà đầu tư nước ngoài phải nộp ít nhất 200 triệu USD vào ngân hàng trong 3 tháng. Với con số quá lớn như trên, nhà đầu tư khó có thể gom trong vòng 90 ngày.
Mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP) chưa thực sự thu hút nhà đầu tư
nước ngoài. Ảnh minh họa. Nguồn: Vneconomy
Vấn đề thứ 2 là thiếu khung pháp lý, thiếu cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro. Đầu tư PPP cần nguồn vốn lớn và nhà nước cần có chính sách chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Tuy nhiên, 5 năm nay Chính phủ không phát hành chứng thư bảo lãnh cho các dự án PPP nữa.
Tháng trước, Chính phủ Việt Nam từng khẳng định sẽ phát hành bảo lãnh cho các dự án PPP đến hết năm 2018, nhưng với các năm tới thì chưa có cơ sở rõ ràng. Bên cạnh đó, biến động tỷ giá Việt Nam hiện quá lớn, nếu muốn thu hút đầu tư, Nhà nước cần có cơ chế tài chính hỗ trợ và khuyến khích cho doanh nghiệp. Hiện nay nhà đầu tư chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là trong ưu đãi thuế.
Thứ 3 là vấn đề thủ tục hành chính khó khăn. Thủ tục nặng nề khiến nhà đầu tư ngày càng e ngại đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, nếu không tinh giản thủ tục hành chính thì Việt Nam sẽ khó kêu gọi đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư ngoại thích thị trường Việt Nam nhưng e ngại vấn đề thủ tục pháp lý có quá nhiều sự chậm trễ, lại chưa tìm thấy sự hỗ trợ từ phía chính quyền.
Đại diện một doanh nghiệp ngoại cho biết, việc hoàn thành thủ tục hành chính đúng thời gian ở Việt Nam là không thể vì quy định lắt léo. Rất nhiều công ty nước ngoài đã rời khỏi Việt Nam do các chương trình quản lý của nhà nước không cải thiện, chính quyền địa phương thiếu hỗ trợ.
Lý giải vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, năm 2017 Bộ có đề xuất về hoàn thiện khung pháp lý để kêu gọi PPP, cũng đã đưa ra Nghị định 63 để giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng. Tuy nhiên phải đến năm 2020 mới có thể hoàn thiện thông qua luật về đầu tư PPP. Chính phủ hi vọng luật mới trong tương lai có thể giải quyết những lỗ hổng hiện tại.
Trả lời câu hỏi liệu Chính phủ Việt Nam có linh hoạt trong chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư ngoại hay không, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, trong các năm tiếp theo Bộ có thể phát hành bảo lãnh cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính cũng sẽ ban hành các thông tư hỗ trợ nguồn vốn vay cho nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư ngoại dễ tiếp tận nguồn vốn ưu đãi.
Nhà nước hiện đang cải thiện khung pháp lý, đưa ra các chương trình thí điểm đầu tư PPP. Hiện Tp.HCM đang thí điểm 7 chương trình phát triển dự án PPP để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Sắp tới TP sẽ tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư mới và trọng tâm sẽ là hợp tác của doanh nghiệp quốc tế với TP về triển khai hạ tầng.
Phương Uyên