Theo đó, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị đại diện ban chỉ đạo cần có những đề xuất trung ương tìm cách tháo gỡ cho địa phương, bởi đi khảo sát thực tế bà thấy có nhiều trường hợp rất khó khăn. Chẳng hạn như các chuyên viên của UBND TP kêu không mua được nhà ở thu nhập thấp vì lương họ mới ra trường quá thấp. Hay như trường hợp có một lái xe muốn mua nhà ở, mặc dù hồ sơ hợp lệ đầy đủ nhưng không được ngân hàng giải ngân. Cho đến khi hỏi ngân hàng thì té ngửa là mua thì được, tuy nhiên khó có khả năng trả vì trong hộ 2 vợ chồng nhưng chỉ có một 1 đầu lương. Bà Ánh chia sẻ, nhiều trường hợp phải nhờ họ hàng làm bảo lãnh để được mua nhà ở thu nhập thấp. Thậm chí, bà cũng phải đứng ra bảo lãnh cho 2 người bà con của mình.
Người dân vẫn gặp khó khi mua nhà ở thu nhập thấp. Ảnh minh họa |
Trước đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng ông Mai Như Toàn cho hay, theo thăm dò năm 2014, chỉ tính riêng đối tượng cán bộ, viên chức, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có thu nhập thấp, có nhu cầu được bố trí chỗ ở là 7.200 người. Nhưng đến nay TP mới chỉ đáp ứng được 822 người (tỉ lệ 11,42%).
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP. Cần Thơ, đến tháng 12/2015 mới cho 235 khách hàng vay với số tiền khoảng 140 tỷ đồng để xây dựng và mua nhà ở trong gói 30.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế và Đầu tư Xây dựng Đại Nam Sơn cho rằng, người thu nhập thấp có rất nhiều loại, nhưng loại “thấp cao cao” thì mới có khả năng mua được. Thực tế, những vợ chồng công chức mới ra trường mấy năm thì lương thấp không thể trả nổi trong 15 năm như quy định. Do đó, ông Huỳnh đề nghị, không nên quy định cứng là trả trong 15 năm mà cần có khoảng cách tùy đối tượng mà thời gian dài ngắn khác nhau thì mới giúp người có thu nhập thấp mua được nhà ở.