Làn sóng Covid 19 đang gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống khi các biện pháp phòng chống dịch và giãn cách xã hội một lần nữa được áp dụng. Trong khi các phân khúc khác vẫn đang giữ sự ổn định, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã bắt đầu xuất hiện những gam màu xám.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, BĐS nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2020 hoạt động kém nhất từ trước đến nay do chính sách phong tỏa. Riêng trong quý 2/2020, công suất thuê phòng tại các khách sạn, resort nghỉ dưỡng chỉ đạt 12%, giảm 36 điểm phần trăm theo năm. Áp lực từ công suất phòng thấp đã khiến giá phòng trung bình giảm thêm đến 21% so với quý 1/2020. Các khách sạn cao cấp là phân khúc bị tác động nhiều nhất do phụ thuộc vào các tour khách ngoại. Theo Sở du lịch TP.HCM, lượng khách quốc tế tại thành phố trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 69% theo năm xuống còn 1,3 triệu lượt.
Theo ông Adam Bury, Giám đốc Bộ phận Khách sạn JLL, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 57% so với cùng kỳ. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%. Các biện pháp đóng cửa biên giới và thắt chặt đường hàng không khiến hàng loạt khách sạn tại Việt Nam phải đối mặt với mức công suất phòng thấp chưa từng có trong lịch sử. Nhiều khách sạn lâm vào khủng hoảng tiền mặt khi doanh thu sụt giảm đáng kể khiến các chủ sở hữu phải tìm các giải pháp tài chính khác nhau để tăng cường dòng tiền nhằm bù đắp cho chi phí.
Mới nhen nhóm tín hiệu phục hồi, BĐS nghỉ dưỡng lại điêu đứng vì sự trở lại của Covid 19. Ảnh Phương Uyên |
Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, nhờ vào sự gia tăng của lượt du khách nội địa, thị trường du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi. Công suất thuê khách sạn và resort cải thiện tốt trong các kỳ nghỉ cuối tuần. Nhu cầu tổ chức sự kiện tại những thành phố lớn quay trở lại. Hà Nội, TP.HCM, Cam Ranh ghi nhận tỷ lệ lưu trú đạt từ 50-60%, thậm chí gần 80-90% cuối tuần. Một số địa phương như Vũng Tàu, Đà Lạt và Phú Quốc còn ghi nhận tình trạng lấp đầy từ 90-100% số phòng lưu trú.
Động thái tích cực này không kéo dài được lâu khi tin tức về các ca nhiễm mới tại Đà Nẵng đã gây ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort trên cả nước. Theo ông Mauro Gasparotti, làn sóng bệnh dịch mới khiến thị trường khách sạn và resort tại Đà Nẵng chịu tác động sớm nhất từ việc du khách hủy đặt phòng cho tháng 8 và tháng 9. Một số khách sạn và resort cho phép khách hàng chuyển các đặt phòng với hy vọng duy trì nguồn khách. Thị trường nghỉ dưỡng có thể sẽ bỏ lỡ thời điểm du lịch hè vốn được ghi nhận là mùa du lịch nội địa cao điểm.
Nhận xét về ảnh hưởng đối với toàn bộ hoạt động của ngành du lịch Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng, sự bùng phát của dịch Covid tại Đà Nẵng sẽ làm đứt gãy tạm thời ngàng du lịch Việt Nam. Tình hình dịch bệnh bùng phát khiến làn sóng hủy phòng gia tăng, du lịch đứng hình. Hoạt động của ngành hàng không nội địa sẽ chững lại, khách du lịch nội địa sụt giảm mạnh. Nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo có thể bị hủy theo chỉ thị dãn cách xã hội của chính phủ.
Bàn về kịch bản sắp tới cho ngành du lịch, ông Adam Bury nhìn nhận sẽ phải mất ít nhất vài tuần để tình hình dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn. Mối quan ngại lớn là những điểm đến phục vụ du lịch nghỉ dưỡng - nơi phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách quốc tế - sẽ có sự phục hồi chậm nhất sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
“Hầu hết các doanh nghiệp BĐS đang trong giai đoạn cầm cự vì gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ngoài việc cắt giảm chi phí một cách triệt để, các chủ sở hữu khách sạn đang hướng đến giải pháp trung hạn thông qua việc tìm kiếm vốn đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu hoặc chuyển đổi cổ phần, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng rót vốn thông qua các hình thức tiếp cận trên. Nếu đợt dịch Covid-19 lần này được kiểm soát nhanh, tôi dự báo nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng mới hạn chế, thị trường du lịch sôi động trở lại, các khách sạn sẽ tập trung vào việc cân đối tài chính, điều này sẽ thúc đẩy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ”, ông Adam Bury cho hay.
Phương Uyên