Nhiều lợi ích không nên bỏ qua
Trong phiên họp thường kỳ tháng 10/2014 của Chính phủ, Nghị quyết cuộc họp đã nêu: Nhằm xử lý nợ xấu, trong thời gian tới, khuyến khích các NĐT trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu, đây được xem như một giải pháp quan trọng trong việc xử lý nợ xấu. Ý kiến của một chuyên gia NH còn cho rằng, vấn đề này đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Vị này khẳng định: “Khó có thể xử lý triệt để nợ xấu nếu vẫn chần chừ việc sửa đổi luật cũng như tạo điều kiện cho những NĐTNN được mua bán tài sản thuộc quyền sở hữu của Việt Nam".
Theo một chuyên gia NH khác, khi các NĐT nước ngoài ngỏ ý muốn mua nợ xấu của các TCTD Việt Nam, điều mà họ quan tâm nhất là xem con nợ có phải là đối tượng hấp dẫn không, mặt khác, họ muốn biết là tài sản đảm bảo mua bán có thuận lợi cho họ không. Nếu trong trường hợp họ không thể làm sống dậy dự án, đưa con nợ hoạt động trở lại trên thị trường thì tài sản đảm bảo phải dễ dàng được thanh lý, vì chỉ có như vậy thì ít nhất NĐT cũng thu hồi được số tiền bỏ ra để đầu tư.
Chần chừ tạo điều kiện cho những NĐTNN được mua bán tài sản của Việt Nam
thì khó có thể xử lý rốt ráo nợ xấu
Lâu nay, nguyên ngân khiến Chính phủ cân nhắc nên hay không nên khuyến khích NĐT nước ngoài mua nhà là do còn e ngại những ảnh hưởng đến thể chế chính trị và kinh tế nước ta khi cho phép đem tài sản quý giá nhất của quốc gia - quyền chiếm hữu lâu dài về đất đai - bán cho người nước ngoài. Những lo ngại này cũng nhận được sự thông cảm, đồng tình từ người dân.
Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ người dân cũng đã từng trải qua những giai đoạn rơi vào trạng thái lo lắng như thế. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, bong bóng BĐS ở Mỹ bị vỡ, hàng loạt BĐS ở nhiều tiểu bang trong đó có cả bang Florida, TP. Los Angeles. đã được bán cho người nước ngoài. Rất nhiều công ty tài chính của Nhật Bản đã nhảy vào mua. Và người Mỹ cũng đã rất lo lắng sợ rằng sẽ xuất hiện “quốc đảo” của Nhật Bản trong lòng nước Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế người Nhật mua BĐS không mang ý đồ chiếm hữu lâu dài mà đơn giản chỉ là mục tiêu kinh doanh. Khi thị trường xuống họ mua, lên thì họ bán để kiếm lợi nhuận. Khi kinh tế qua giai đoạn thoái trào vào đầu những năm 1990, các NĐT Nhật đã bán lại tài sản đất đai họ đã thu mua cho người Mỹ.
Trở lại câu chuyện ở Việt Nam, theo phân tích của vị chuyên gia trên, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai lâu dài cho NĐT nước ngoài không có nghĩa là mất đất vì tài sản này không chạy được mà vẫn thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, nên việc thâu tóm không dễ xảy ra. Vì thế, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia kinh tế thì việc NĐT nước ngoài được phép mua nhà gắn với quyền sử dụng đất ở Việt Nam là cơ chế hoàn toàn có thể thực hiện được và nên thực hiện sớm. Trong bối cảnh Việt Nam đang trong lộ trình hội nhập toàn diện, sâu sắc hơn và trên thế giới có đến 70% các quốc gia chấp thuận quy định này về pháp lý thì việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để yên tâm thực hiện.
Cần quy định về độ mở
Theo Tổng giám đốc một NHTMCP cỡ vừa trên địa bàn Tp.HCM, khi thị trường ổn định thì NH đều được hưởng lợi. Nguyên nhân là do bản chất hoạt động NH gắn liền với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế. Nếu thị trường BĐS được khơi thông, thanh khoản tăng thì NH sẽ có nhiều cơ hội bán các sản phẩm của mình.
Nhưng trong khi hiện nay, phần nhiều các khoản nợ xấu nằm trong giá trị BĐS thì thị trường này lại đang có vẻ khá im ắng, vì thế nên để thu xếp tiền trả nợ NH, chính các con nợ cũng đang ở thế bí. Nếu có sự tham gia của dòng tiền từ NĐT nước ngoài thì thị trường BĐS sẽ có thêm lực đẩy, đồng thời các NĐT trong nước cũng vượt qua được khó khăn. Khi đó, khối nợ xấu của NH liên quan đến BĐS sẽ có điều kiện được giải phóng nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Tuy vây, cũng cần có một quy định về độ mở thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích, vừa khuyến khích NĐT nước ngoài tham gia mà không để xảy ra khả năng thâu tóm hay sử dụng nhà ở không đúng mục đích, đây vẫn là nỗi băn khoăn của các nhà làm chính sách.
Tuy nhiên, vị chuyên gia trên cũng cho rằng, nếu chấp nhận mở cửa cho NĐT nước ngoài mua nhà thì phải mở hoàn toàn, không thể lửng lơ, các NĐT nước ngoài dày dặn kinh nghiệm, nên nếu chúng ta mở cửa theo kiểu nửa chừng thì việc khuyến khích họ tham gia vào thị trường là điều rất khó. Tuy nhiên nếu như thế cũng phải chấp nhận cả rủi ro bị thâu tóm. Một lãnh đạo một NH khác cũng đồng quan điểm khi cho rằng, bất kỳ chính sách nào cũng có lợi – hại, kể cả đối với lĩnh vực BĐS và phải chấp nhận điều đó.