Cuối tuần qua, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Vũ Văn Phấn khi trao đổi với phóng viên đã cho biết, Bộ Xây dựng tới nay mới trình lên Chính phủ được 3/5 dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hai sắc luật này. Hiện tại, những dự thảo Nghị định đó vẫn đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ chưa thể tiến hành ký ban hành.
Chúng ta có thể thông cảm với những nhà soạn thảo rằng, đây là lĩnh vực tác động tới tất cả các thành phần trong xã hội lại có nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên cần thận trọng. Nhưng cũng không thể nén được tiếng thở dài đáng tiếc. Bởi vì, dường như thị trường đã hội tụ khá đầy đủ điều kiện, chỉ chờ “gió Đông” là các chính sách mới được ban hành để thổi bùng lên sức sống mới.
Đơn cử như tại lễ mở bán Dự án Naman Residences ở Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô Nguyễn Thành Nam cho hay, 65% khách hàng tới thuê nhà của giai đoạn trước đây là người nước ngoài. Đặc biệt, trong số đó, nhiều người muốn đầu tư vào dự án. Tuy vậy, họ phải chờ tới 1/7/2015 khi Luật mới có hiệu lực để “chắc chân” trong vấn đề sở hữu và giao dịch địa ốc.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở cho thấy, trong một tòa nhà chung cư, người nước ngoài sẽ không được sở hữu quá 30% tổng số căn hộ. Đối với trường hợp tại một địa bàn tương đương cấp phường có nhiều dự án chung cư để bán, cho thuê mua thì cá nhân, tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ của mỗi tòa nhà và cũng không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả những tòa nhà chung cư này.
Ngày mai, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực nhưng Nghị định hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành. Ảnh minh họa |
Còn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà có nhà ở riêng lẻ để cho thuê mua, bán thì cá nhân, tổ chức chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ tại mỗi dự án; trường hợp tại một dự án hoặc một địa bàn có số người tương đương cấp phường có nhiều tòa nhà chung cư với số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương bằng 2.500 căn hộ thì cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được quyền sở hữu không vượt quá 250 căn hộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định trên đã rất rõ ràng và chỉ cần Nghị định chính thức có hiệu lực là áp dụng được ngay. Nhưng với sự chậm nêu trên, theo nhiều chủ đầu tư, chúng ta có thể vuột mất cơ hội thu hút đầu tư từ dòng vốn ngoại. Có nhà đầu tư đã nhanh nhạy bằng hình thức cho đối tượng khách hàng là người nước ngoài đăng ký giữ chỗ để khi Nghị định có hiệu lực sẽ được ưu tiên mua nhà.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, quan trọng hơn là sự chậm trễ đó rất có thể khiến người nước ngoài sẽ có một cái nhìn khác về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS, việc cho phép người nước ngoài được kinh doanh BĐS ở Việt Nam là một quy định rất mới, được đánh giá là cởi mở. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định không có một chữ nào nói tới đối tượng này. Giải thích việc này, theo ông Phấn, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã cho phép cả cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước được tham gia vào lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Đặc biệt, riêng đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh BĐS bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp. Pháp luật quy định, loại hình doanh nghiệp này áp dụng chung cho cả trong nước và ngoài nước với vốn pháp định không nhỏ hơn 20 tỷ đồng và cần phải có đủ năng lực về tài chính để triển khai dự án.
Dự thảo quy định là vậy nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải chờ tới khi Nghị định được ban hành thì mới có thể thành lập doanh nghiệp để hoạt động. Trao đổi với phóng viên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra sốt ruột bởi sự chậm trễ này vì có thể cơ hội từ thị trường BĐS sẽ dần trôi qua.
Tuy nhiên, ông Phấn cũng “bật mí” rằng, một giải pháp tình thế là sẽ đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng ban hành văn bản tạm thời hướng dẫn thực hiện Luật để áp dụng trong thời gian đợi Nghị định hướng dẫn được ban hành.
Rõ ràng đây chính là giải pháp tình thế nhưng dẫu như vậy cũng còn hơn không. Chúng ta hy vọng, những hướng dẫn này đừng khác quá xa quy định của Nghị định chính thức sau đó để doanh nghiệp không phải... bắt đầu lại.