Khi nói về nghề môi giới trong năm qua, giám đốc một sàn BĐS tại Mỹ Đình tâm sự, sàn ông năm vừa rồi cũng túc tắc bán được ít sản phẩm nhưng hầu hết đều phải qua tay những sàn khác. Để có nguồn hàng, các sàn nhỏ như của ông chịu không ít thiệt thòi bởi không được danh chính ngôn thuận.
Vị này kể tiếp, sàn của ông từng triển khai một chương trình quảng cáo bán hàng cũng tốn tới cả chục triệu. Đã có khách hàng gọi đến nhưng khi xuống tiền mua nhà, họ lại tìm đến sàn có tên tuổi hơn. Trong khi đó, về mặt pháp lý, cả hai sàn đều ký kết phân phối sản phẩm với chủ đầu tư như nhau.
Ông ngậm ngùi, với các sàn nhỏ, tài chính hạn hẹp bấm bụng để làm quảng cáo truyền thông song vẫn không nhiều hiệu quả. Trong khi đó, muốn nâng cấp sàn giao dịch trở nên chuyên nghiệp hơn cũng khó bởi cần một nguồn vốn lớn. Lực bất tòng tâm, các sàn nhỏ muốn tồn tại phải chịu sự chèn ép mà không biết phải làm sao.
Trên thực tế, các sàn BĐS như của vị giám đốc trên tại Hà Nội tương đối nhiều. Hầu hết những sàn này vẫn chỉ mang danh về mặt pháp lý, còn hoạt động không khác gì một văn phòng nhà đất từ khi thị trường đang "nóng sốt".
Loại văn phòng này “di động” liên tục thay đổi theo dự án, bán sản phẩm kiểu trà đá vỉa hè, nhân viên thì nay người này làm, mai người kia thay thế. Do làm ăn không chuyên nghiệp nên các sàn khó có thể thu hút được nhân tài. Hầu hết đội ngũ môi giới tại các sàn đều là sinh viên mới ra trường hoặc những trường hợp đã có thâm niên đăng ký làm cộng tác để lấy chức danh.
Đối với hiệu quả kinh doanh, các sàn giao dịch nhỏ đều chật vật. Ông chia sẻ, ngày xưa bán được căn nhà, môi giới đút túi tới cả chục triệu nhưng giờ bán mãi mới được 1 căn cũng chỉ vài triệu đồng. Đơn vị phân phối cũng chỉ độc quyền trong từng giai đoạn. Trong tháng này, sàn được độc quyền nếu bán đủ số lượng căn hộ được giao, còn nếu không đáp ứng được sẽ chuyển sang sàn khác...
Nhận định về 1 năm qua, anh Linh, một môi giới nhà đất tại Linh Đàm niềm nở, anh vẫn túc tắc làm ăn song giờ thì khó hơn. Khách hàng cũng cảnh giác nên nhiều khi, bán nhà chỉ được có vài triệu đồng. Nghĩ cũng chán song so với các nghề khác, môi giới BĐS vẫn còn kiếm ăn được và còn nhàn hạ hơn.
Đội ngũ môi giới BĐS đông đảo |
Trên thực tế, hoạt động môi giới BĐS trong năm 2015 cũng đã có nhiều thay đổi. Song, thị phần vẫn tập trung chủ yếu vào một vài sàn có tên tuổi. Những sàn này thâu tóm bán hàng ở tất cả những dự án lớn, các đơn vị nhỏ muốn bán hàng đều phải liên kết theo hội, nhóm hay chấp nhận vô danh.
Nếu như thời gian trước, các chủ đầu tư "chảnh" khi lựa chọn những đơn vị bán hàng thì giờ họ phải lụy đến "cò". "Cò" đất có quyền lực của mình khi có thể thao túng cả chủ đầu tư, tìm mọi cách để moi tiền người mua nhà. Thị phần chủ yếu đang thuộc về "cò" nội trong khi môi giới tư vấn ngoại ngày càng trở nên mờ nhạt.
Thị trường BĐS vừa ấm trở lại nhưng cũng cho thấy hiện tượng nhiều sàn đẩy giá chênh, làm loạn thị trường. Không ít những dự án dù chưa mở bán đã có sóng, khách hàng không thể tiếp cận được với giá gốc do chủ đầu tư đưa ra.
Không chỉ những dự án căn hộ giá bình dân, rẻ xuất hiện giá chênh mà ngay tới cả các dự án chung cư cao cấp gần hoàn thành, vị trí đẹp, tọa lạc ngay khu trung tâm cũng có giá chênh lớn.
Do đó, muốn có được căn hộ, người mua nhà phải mua lại của các "cò" với tiền chênh cao. Tình trạng này tập trung chủ yếu tại Hà Nội song lại khó ngăn chặn bởi ngay cả chủ đầu tư cũng sử dụng cách này để tạo ra sức hút cho dự án của mình.
Trong khi “cuộc chiến” cạnh tranh giành giật khách hàng giữa những chủ đầu tư đang vô cùng khốc liệt thì sự góp mặt của đội quân "cò" lại đang làm thị trường méo mó, gây nhiễu loạn thông tin thị trường BĐS.
Dù đã có chế tài cho hoạt động của đội ngũ này nhưng vẫn chưa thực sự kiểm soát hiệu quả. Luật mới quy định về hoạt động của sàn cũng như nâng cao trách nhiệm, trình độ của đội ngũ môi giới nhưng những quy định này vẫn chưa được chặt chẽ. Hoạt động của không ít sàn BĐS đang nằm ngoài vòng kim cô.
Hiệp hội BĐS cũng bày tỏ sự bất an đối với đội ngũ này. Tổng thư ký hiệp hội cho hay, từ việc đào tạo nhân viên môi giới tới cấp chứng chỉ hành nghề đều chưa có sự giám sát chặt chẽ. Hoạt động của những nhà môi giới đang bị buông lỏng. Từ đó, dẫn đến tình trạng thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng, cách bán hàng, marketing chưa chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã đề cập đến thực tế này. Hoạt động môi giới nhà đất tại Việt Nam rất phát triển song trên thực tế chù yếu là.... chỉ trỏ, buôn nước bọt, thậm chí còn có không ít người môi giới lừa đảo người mua, người bán để trục lợi.
Một số sàn BĐS mặc cho nhân viên môi giới hoạt động tự do để bán nhà bằng mọi giá. Bên cạnh đó, môi giới BĐS chưa được đào tạo bài bản dẫn đến yếu kém về mặt giải pháp tài chính, tư vấn pháp lý.
Vì vậy, nhiều khách hàng vẫn cho rằng, đội ngũ môi giới BĐS trong năm qua hiểu đúng nghĩa vẫn dừng lại ở "cò".