Đầu tư bất động sản (BĐS) vẫn được ưu tiên lựa chọn hơn so với đầu tư vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm do vàng đang trong xu thế giảm, tỷ giá khó tăng hơn 5%, tiền gửi ngân hàng thiếu hấp dẫn, chứng khoán còn nhiều rủi ro, khó thu hút người mới… Vì thế, năm 2017, thị trường BĐS vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân nhưng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ. Thị trường sẽ không có xu thế rõ rệt, mà dựa vào chủ đầu tư, vị trí và sản phẩm thích hợp, cơ hội sẽ đến theo từng dự án cụ thể.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận định, thị trường BĐS năm nay sẽ gặp một số khó khăn. Theo đó, những thời điểm thị trường BĐS sôi động là do Nhà nước đã bơm một số tiền lớn vào thị trường. Nhà nước sẽ không sẽ không có gói kích cầu lớn nào trong năm nay. Do đó, thị trường BĐS năm nay không biến động mạnh mà chỉ tập trung vào một số dự án như phân khúc nghỉ dưỡng, căn hộ trung bình… với những dự án tốt cho người tiêu dùng.
Dưới góc độ của một người làm kinh doanh, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land, ông Ngô Quang Phúc cho rằng, thị trường BĐS hiện nay đang rất khắc nghiệt. Việc cạnh tranh giữa các chủ đầu tư rất gay gắt do lượng cung trên thị trường đang rất lớn. Trước diễn biến này, người tiêu dùng đang hưởng lợi rất lớn, bởi tất cả các chủ đầu tư đều hiểu rằng, trong cùng một phân khúc, nếu đầu tư kém hơn đối thủ, tức là lợi thế cạnh tranh, tốc độ bán hàng và thanh khoản của dự án sẽ giảm sút ngay.
Cũng theo ông Phúc, trong năm 2017, lượng cầu ở thực vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên, nhưng tốc độ tăng không quá lớn. Chẳng hạn, năm nay, nhu cầu nhà ở thực khoảng 100.000 căn, thì năm sau chỉ tăng ở tầm 120.000 căn chứ không thể nào tăng lên 1 triệu căn được và đến năm 2018 sẽ là 150.000 căn… Ông Phúc cho rằng, lượng cầu đó mới là thước đo chính xác của thị trường trong năm tới, chứ không thể dựa vào lượng cầu của các nhà đầu tư thứ cấp, lướt sóng (đầu cơ).
Năm 2017 được dự báo là thời điểm tốt để mua nhà
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia tư vấn BĐS chuyên nghiệp - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư BĐS Việt An Hòa lại có quan điểm, thị trường BĐS năm 2017 sẽ chuyển mình theo chất hơn là lượng. Sản phẩm tung ra chào bán sẽ ít hơn, đất nền khu Tây và khu Nam đầu tư sẽ có lợi nhuận vượt trội hơn, nhà phố 2 tỷ đồng vẫn hút khách, căn hộ giá thấp dưới 1,5 tỷ đồng vẫn là sự lựa chọn.
Ông Quang nhấn mạnh: "Nhưng, đa phần khách hàng đều trăn trở đâu là thời điểm để mua nhà hợp lý? Dựa vào đâu để mua dự án ít rủi ro nhất, pháp lý dự án đó thế nào...? Làm sao để chọn được sản phẩm nhà ở chất lượng trong thời điểm "vàng thau lẫn lộn như hiện nay?".
Đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, ông Phúc cho rằng, cứ như ông bà ta đã nói mua hàng thì tốt nhất phải “mắt thấy, tay sờ, mũi ngửi, miệng nếm”. Do vậy, muốn biết một dự án có tốt hay không thì khách hàng phải xem tận mắt. Ông Phúc nói: "Tới tận nơi tìm hiểu thông tin là một cách trực quan sinh động nhất giúp mỗi khách hàng không chọn nhầm chủ đầu tư hay dự án nhà ở".
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, khi muốn mua nhà, khách hàng luôn có tâm lý chạy theo đám đông mà không tìm hiểu các thông tin chuẩn. Hiện nay, thị trường đang bội cung, nghiêng về phân khúc cao cấp, trong khi nhu cầu ở thực rất cao nhưng lại rất ít sản phẩm vừa túi tiền. Đây là thời điểm khách hàng nên mua nhà do có nhiều sự lựa chọn, nhưng khách hàng cần biết cách kiểm chứng thông tin, sản phẩm có giá trị thật với thị trường chứ không phải được "thổi" giá lên quá cao.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, khách hàng cần quan tâm đến những dự án đã có bảo lãnh, đồng thời, chủ đầu tư phải thông báo đến khách hàng về việc ngân hàng bảo lãnh dự án. Nếu chủ đầu tư không cung cấp giấy tờ bảo lãnh dự án, khách hàng phải xem lại việc mua những căn nhà hình thành trong tương lai.
Ông Hiếu nhấn mạnh: "Tại Mỹ, có nhiều thông tin liên quan đến năng lực chủ đầu tư, nhưng Việt Nam lại không có nhiều thông tin này dẫn đến nhiều khó khăn cho khách hàng trong việc tìm kiếm thông tin chính xác về năng lực tài chính của chủ đầu tư....Tóm lại, việc bảo lãnh là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì chỉ có như vậy những tình trạng ôm nợ, tiền mất tật mang sẽ không còn xảy ra nữa".