Hiện nay, một số TTTM hoạt động không có hiệu quả, được ví như “xác chết biết đi” nhưng xu hướng trong thời gian tới của ngành bán lẻ hiện đại vẫn là sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm mua sắm. Đây là thông tin được TS. Đinh Thị Mỹ Loan đưa ra tại Diễn đàn Bán lẻ Việt Nam 2015: "Trung tâm mua sắm và con đường phát triển ở Việt Nam".
Trong các trung tâm mua sắm lớn thế giới, châu Á chiếm tỷ lệ đáng kể. Thời gian gần đây, tại Việt Nam, những trung tâm mua sắm mới “mọc” lên nhanh cả về số lượng và quy mô. Song, trung tâm mua sắm ở Việt Nam đại đa số là nhỏ và vừa so với tiêu chuẩn thế giới.
Quy mô nhỏ so với thế giới
Những cái tên đáng chú ý trong thời kỳ đầu như Diamond Plaza, The Garden và Parkson Hà Nội đều có quy mô dưới 50.000m2. Vừa qua, một số trung tâm mua sắm hiện đại mới khai trương như Aeon Mall, Royal City, Time City, Lotte, SC VivoCity... có quy mô lớn hơn nhưng vẫn chưa thể đạt tiêu chuẩn quốc tế theo đánh giá của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam.
Đặc biệt, hoạt động kinh doanh thời gian qua của nhiều TTTM, mua sắm tại Việt Nam đều không hiệu quả, gian hàng ảm đạm, chịu cảnh thua lỗ, khách tới xem hàng là chính chứ không có nhu cầu mua sắm… Điều đó đã khiến nhiều trung tâm mua sắm phải tạm đóng cửa.
TS. Loan cho biết, việc các TTTM, mua sắm ở Việt Nam bị lâm vào tình cảnh ảm đạm trước hết là do tâm lý của người Việt Nam vẫn yêu thích loại hình bán lẻ truyền thống. Vì thế, trong quy hoạch của Bộ Công Thương tới năm 2020, tỷ lệ bán lẻ hiện đại cũng mới chỉ chiếm khoảng 40% nhưng TS. Loan vẫn e ngại khó có thể đạt được khi tỷ lệ này hiện mới chỉ đạt 27-28%.
TTTM Việt Nam hoành tráng nhưng nhỏ so với tiêu chuẩn quốc tế |
Các loại hàng xa xỉ trong trung tâm mua sắm cũng chỉ dành cho một bộ phận khách hàng, lại bị phân tán khi người tiêu dùng thông qua những kênh mua sắm online, thương mại điện tử hoặc ra nước ngoài mua hàng.
Bên cạnh đó, nền kinh tế bị suy thoái khiến sức mua cũng giảm sút tạo nên tâm lý thắt chặt hầu bao của khách hàng. Mặc dù nguồn cung bán lẻ ở các trung tâm mua sắm rất phong phú nhưng giá cả khá cao khiến doanh nghiệp bán lẻ không thể tiếp cận.
Ngoài ra, các TTTM cũng chưa có chiến lược marketing thu hút người mua và quảng bá hình ảnh để biến TTTM thành nơi không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nơi thưởng thức ẩm thực, vui chơi, giải trí...
Trung tâm mua sắm vẫn là xu hướng
Dù chưa thực sự thành công nhưng Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đánh giá, vẫn còn nhiều lý do để lạc quan về tương lai của những trung tâm mua sắm. Đó là quá trình đô thị hóa; sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu; nhu cầu không gian bán lẻ chất lượng cao; sức hút của TTTM với những tiện ích và trải nghiệm mới…
Theo TS. Loan, nhiều ý kiến e ngại trung tâm mua sắm tại Việt Nam đang ở cảnh chợ chiều, ở nước ngoài nói đây là các xác chết biết đi khi quá tiêu điều và vắng vẻ, không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia tin tưởng các trung tâm mua sắm này sẽ phát triển mạnh trong lĩnh vực bán lẻ Việt Nam thời gian tới.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Dương Duy Hưng, ngành bán lẻ vẫn sẽ là ngành tiềm năng và việc tiêu dùng trong những kênh bán lẻ hiện đại sẽ trở thành xu hướng. Đơn cử, giá trị tiêu dùng cá nhân chiếm 90% và tiêu dùng cuối cùng chiếm 70%.
Trong thời gian 5 năm gần đây, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 18%, còn 10 năm trước là 25%, mức tăng trưởng này luôn cao gấp 3 lần so với GDP. Vì thế, ông Hưng nhận định, trong điều kiện Việt Nam gặp khó khăn với điều kiện bên ngoài, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu thì việc tăng trưởng thương mại trong nước rất cao cho thấy bán lẻ có vai trò quan trọng trong thị trường nội địa.
Bộ Công Thương cho biết, đến năm 2013 cả nước có khoảng 132 TTTM và 724 siêu thị. Trong khi quy hoạch tới năm 2020, cả nước có khoảng 1200-1300 siêu thị, 180 TTTM và 157 trung tâm mua sắm.
Do đó, TS. Loan cho rằng TTTM ở Việt Nam cần hướng đến mục tiêu trở thành địa điểm lý tưởng, nơi mua sắm, vui chơi giải trí và thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng và các hoạt động cộng đồng…