Tại sao lại chọn Long Thành để xây sân bay?
Ông Thanh cho biết, địa điểm xây dựng sân bay phụ thuộc nhiều yếu tố, đầu tiên là địa lý bao gồm hướng gió, thời tiết... Long Thành đã được nghiên cứu bắt đầu từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, nơi đây có điều kiện thời tiết lý tưởng.
Theo ông Thanh, việc lựa chọn địa điểm này còn phụ thuộc vào yếu tố dân cư bởi nếu chọn nơi đông dân cư quá sẽ phải giải tỏa rộng, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.
Long Thành lại tọa lạc ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên không chỉ phục vụ riêng cho Tp.HCM mà còn cả Đông Nam Bộ, kết nối hệ thống đường cao tốc, cảng biển xuống Vũng Tàu.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, chất vấn lại thông tin của ông Thanh, một người dân đã bày tỏ nghi ngại khi lựa chọn vị trí này. Theo người này, ông Thanh nói vị trí xây dựng sân bay Long Thành đã được tiến hành khảo sát từ những năm 1970-1980. Tuy nhiên, tại sao chế độ cũ và Mỹ lại không làm? Bên cạnh đó, nhiều phi công Việt Nam cho biết, vùng này có từ trường lớn, sấm sét rất nhiều, khi xảy ra mưa giông sẽ rất nguy hiểm cho những chuyến bay.
Trả lời câu hỏi trên, ông Thanh cho hay, những năm 70-80, Tân Sơn Nhất hoàn toàn biệt lập, không như hiện nay lọt vào giữa khu dân cư. Điều kiện kinh tế xã hội thời điểm đó cũng không như hiện tại.
Thêm nữa, theo ông Thanh, làm quy hoạch sân bay thì yếu tố địa lý đặc biệt quan trọng và được tiến hành khảo sát như sấm sét, giông bão, sấm sét, mây, hướng gió, từ trường... Việc khảo sát những yếu tố này ở chính quyền cũ và hiện tại cũng không khác gì nhau. Vì thế, cơ quan quản lý đã có các tính toán kỹ lưỡng, theo dõi nhiều năm nay.
Khu vực đã được công bố quy hoạch cho dự án xây dựng sân bay Long Thành ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Dân Trí |
Xây sân bay sẽ được nhiều, mất ít?
Nhiều người vấn tiếp tục đặt ra câu hỏi về được và mất nếu quyết định triển khai xây dựng sân bay Long Thành khi chỉ còn 7 ngày nữa là Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương này.
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, khi quyết định đầu tư bất kỳ một dự án nào cũng sẽ có những vấn đề hạn chế.
Đơn cử, đưa sân bay ra khỏi khu vực đô thị Tp.HCM thì được lợi môi trường. Tuy nhiên, đi từ trung tâm đến sân bay xa hơn hay giải phóng mặt bằng cần nhiều đất hơn nên sẽ ảnh hưởng. Đó chính là cái không được nhưng chúng ta vẫn có thể kiểm soát.
Ông Đông cho biết, ở đây cần phải so sánh chi phí cơ hội. Nếu không xây thì ảnh hưởng tới kinh tế, cơ hội cho nước ta. Ngược lại, xây sân bay thì có giải pháp đi theo như vấn đề kết nối giao thông với Tp.HCM, kết nối giữa quốc tế và nội địa. Nếu so sánh giữa được và mất thì được sẽ nhiều hơn!
Đồng quan điểm, Cục trưởng Lại Xuân Thanh chia sẻ, cái được thì chúng ta đã bàn rất nhiều rồi. Còn cái mất là đường từ trung tâm thành phố tới sân bay Long Thành xa hơn sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhưng theo ông Thanh, thời gian đi từ Long Thành về trung tâm nhanh hơn. Bởi vì, Tân Sơn Nhất chỉ có tuyến đường Trường Sơn tiếp cận và hiện tại đang rất hay tắc nghẽn. Long Thành có quy hoạch đường cao tốc nên thời gian đi lại tốn ít hơn.
Còn cái mất tiếp theo, ông Thanh cho biết, dự án sẽ gây ra xáo trộn không nhỏ đến cuộc sống người dân khi họ phải bàn giao đất để xây dựng một công trình của quốc gia. Tuy nhiên, Nhà nước và Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm cuộc sống của người dân, sau khi tổ chức tái định cư phải tốt hơn, ổn định hơn đời sống trước khi bị xáo trộn.
Ông Thanh cho hay, về vấn đề nguồn vốn, tiền đầu tư ông không nghĩ đó là mất. Đầu tư với mục đích phát triển. Kể cả muốn giảm bớt nợ công thì cũng phải đầu tư phát triển thì mới giảm được nợ công. Vấn đề quan trọng là phải quản lý tốt, chống tham nhũng, thất thoát.
Cũng theo Thứ trưởng Đông, khi nói dự án này khả thi nghĩa là được nhiều hơn mất. Vì thế, trước một câu hỏi khá thú vị gửi tới buổi tọa đàm, “Nếu dân nói cương quyết không đồng ý xây dựng thì thế nào?”, ông Đông đã trả lời:
Đầu tiên là mất đi cơ hội. Thứ hai, không đáp ứng được giao thông vận tải. Việc quá tải chúng ta không giải quyết được và chi phí vận tải cũng tăng lên vì hành khách phải đi vòng, đi bằng nhiều phương thức khác.
Thứ ba, còn làm cản trở sự phát triển của vùng đồng bằng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong khi đây là động lực của cả nước. Cuối cùng, sẽ không đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kết cấu hạ tầng mang tính đột phá.