Người dân gặp khó
Nằm trên đường Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), một khu nhà trọ với gần 30 phòng rộng 15-20m2 là nơi cư trú của gần 100 người. Là một người thuê trọ ở đây, chị Nguyễn Thị Thảo (quê Trà Vinh) cho biết, phòng trọ của chị có 4 người thuê được gần 5 năm. Năm nay, em út chị sẽ tốt nghiệp Đại học Luật Tp.HCM, vì muốn em mình dễ xin được việc tại thành phố nên chị dự tính sẽ đăng ký nhập khẩu cho em.
Tuy nhiên, nếu kiến nghị nhà phải đủ 20m2/người mới được nhập khẩu được thành phố chấp nhận thì dự tính của chị không thể thực hiện được. Chị Thảo nói: "Phòng trọ này rộng 20m2 (có thêm gác lửng), giá thuê 3 triệu đồng/tháng, 4 chị em ở. Chúng tôi đều là công nhân, tổng thu nhập chừng 20 triệu đồng/tháng. Số tiền này chúng tôi vừa trang trải cuộc sống đắt đỏ ở thành phố, vừa gửi về quê nên không thể thuê nhà rộng hơn được. Quy định mới này làm khó chúng tôi quá".
Tương tự, hai vợ chồng chị Đặng Thị Minh (30 tuổi) cũng đang tính xin nhập khẩu để các con đi học. Cả hai vợ chồng đều là công nhân da giày, hiện đang thuê một căn nhà diện tích 30m2 với giá 2,5 triệu đồng/tháng ở Hóc Môn. Khi nghe quy định nhà ở phải đủ diện tích 20m2/người, chị choáng váng: "Trước đây, nghe chính quyền nói là ở khu vực huyện vùng ven thì điều kiện nhập khẩu sẽ nhẹ nhàng hơn, thế nhưng giờ đây, ngay cả huyện cũng bị áp quy định tăng diện tích tối thiểu bình quân thì quả là khổ càng thêm khổ. Lương công nhân ba cọc ba đồng, làm sao đủ tiền để thuê nhà rộng hơn, đủ điều kiện nhập khẩu để con cái đi học".
Cũng lo lắng về quy định này, anh Phan Văn Tịnh (công nhân khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) nói, khi chúng tôi đi làm, dù ít hay nhiều cũng đều đóng góp vào sự phát triển của thành phố nên công sức này của chúng tôi cũng cần được coi trọng. Nếu không được đăng ký, sau này, con cái chúng tôi sẽ phải chịu thiệt thòi về học tập, y tế, việc làm.
Điều kiện nhập cư mới khiến nhiều lao động lo lắng. Ảnh minh họa: Internet |
Thực tế địa bàn cho thấy, tại phần lớn các dãy trọ, đặc biệt là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, mỗi phòng trọ đều có diện tích chỉ khoảng 15-20m2 cho 3 người độc thân hoặc gia đình 3-4 người ở. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, so với điều kiện sống của dân nhập cư, diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú với chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu 20m2 sàn/người là yêu cầu quá cao.
Theo đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp.HCM, áp lực về dân số và hạ tầng của Tp.HCM cũng không giảm đi khi quy định diện tích tối thiểu. Hơn nữa, quy định này còn khiến công tác quản lý cư trú và an ninh trật tự địa phương khó khăn hơn khi nhiều người tạm cư không ổn định. Vị này nói: "Những người nhập cư đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Tp.HCM. Hạn chế lao động di cư sẽ gây khó cho việc đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế Tp.HCM".
Trái quy luật xã hội
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, đề xuất trên là không hợp lý, không có cơ sở và chỉ dựa trên yếu tố cảm tính. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu thực hiện thì phải làm từ 20 năm về trước. Còn nếu bây giờ mới triển khai thì tất cả các phòng trọ hiện nay đều phải đập bỏ. Chính vì vậy, kiến nghị trên phải lấy ý kiến người dân.
Trong khi đó, theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tp.HCM, ông Lê Đức Thanh, quy định diện tích nhà ở tối thiểu bình quân với nhà ở thuê, mượn, ở nhờ khi đăng ký thường trú nhằm hạn chế tình trạng nhập hộ khẩu vào các thành phố lớn, đảm bảo người dân có đủ diện tích để sinh hoạt, giảm gánh nặng về các dịch vụ điện, nước đi kèm.
Việc lạm dụng Luật Cư trú năm 2006 để nhập hộ khẩu vào Tp.HCM khiến dân số cơ học tăng lên, phân bố dân cư và an sinh xã hội mất cân đối, đồng thời gây sức ép về cơ sở hạ tầng, trật tự xã hội... Việc giao cho HĐND Tp.HCM có thẩm quyền quyết định diện tích bình quân để đăng ký thường trú là phù hợp.