Đặt cọc số tiền gần 4 tỷ đồng mua một căn nhà phố thương mại ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) với mục đích đầu tư, chị Linh Đa (quận 7, TP.HCM) đang chịu áp lực không nhỏ với quyết định nên giảm giá bán ra hay chịu gánh lãi suất để giữ hàng chờ thị trường tốt lên.
Được biệt căn nhà phố trên chị mới thanh toán được 30%, số còn lại chị tính sẽ đi vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi theo chính sách hỗ trợ của chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại nếu quyết định đi vay để thanh toán 70% số tiền còn lại, chị sẽ phải chấp nhận mức lãi suất mới là gần 15%/năm theo lãi suất thả nổi của thị trường. Con số này vượt xa tính toán ban đầu của gia đình chị, nhất là trong tình trạng kinh tế đang có phần bấp bênh, thu nhập gia đình thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng. “Tôi muốn sang tay căn nhà phố này, thậm chí chấp nhận giảm giá 20% trên mức hiện tại để bán nhanh nhưng nhờ mãi mà môi giới không tìm được khách nào, nếu không tiếp tục thanh toán, tôi sẽ có nguy cơ chịu phạt, thậm chí mất tiền cọc nếu hủy hợp đồng. Còn nếu đi vay, chưa tính chuyện hồ sơ có được duyệt giải ngân không, mức lãi suất thả nổi cũng khiến tôi khó thở”, chị Linh chia sẻ.
Áp lực lãi suất vay tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính cân nhắc việc giảm giá thoát hàng.
Dù không rơi vào tình cảnh gánh lãi ngân hàng nhưng anh Khánh (quận 10, TP.HCM) cũng phân vân chưa biết có nên tranh thủ bán đất thu hồi vốn để dành tiền phòng khi kinh tế 2023 khó khăn, hay cố "ôm" đất đợi vài năm nữa giá tăng trở lại. Cách đây 2 năm, anh bỏ ra gần 2,1 tỷ đồng mua 1 lô đất nền tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) diện tích 210m2. Do không vay ngân hàng nên không bị áp lực thanh toán nhưng vì sợ năm sau kinh tế suy thoái, khi cần dùng tiền lại không bán được, anh tính sang nhượng với giá gốc nhưng vài khách xem đất rồi nhận xét, giá mua ban đầu của anh quá cao so với thị trường, giá trị thật của lô đất chỉ khoảng 1,3-1,5 tỷ đồng.
“Thị trường hạ nhiệt làm giá đất trong dân quanh khu vực này cũng hạ theo. Tôi mua ngay thời điểm khu này đang sốt nóng nên giờ muốn bán lại thì phải bằng giá với thị trường chung, mà nếu là tầm giá đó thì tôi lỗ nặng”, anh Khánh cho biết.
Chia sẻ về quan điểm nên ôm hay thả bất động sản lúc này, lãnh đạo một doanh nghiệp tài chính tại TP.HCM cho rằng, đa số nhà đầu tư đang cố gắng "gồng" BĐS lúc này đều không đánh giá được liệu thị trường có thể tăng trưởng trở lại trong năm sau hay không và thấy tiếc nếu phải cắt lỗ sâu. Ngay cả giới chuyên gia cũng khó phán đoán được khả năng phục hồi của thị trường BĐS năm 2023 sẽ tới đâu. Tuy nhiên có thể khẳng định là năm sau khó có chuyện BĐS nóng sốt như giai đoạn trước. Mọi chính sách điều chỉnh của chính phủ đều đang hướng đến phát triển lành mạnh và bền vững dài hạn. Vì vậy, thị trường cần thời gian để tự điều chỉnh. Những nhà đầu tư đang nắm giữ BĐS, nếu dùng đòn bẩy tài chính thì nên cắt lỗ, thoát hàng hoặc giảm tỷ trọng vay tín dụng càng sớm càng tốt. Nếu nhà đầu tư mua bằng tiền mặt có thể tính toán giữ lại, nhưng phải xác định sẽ mất nhiều thời gian để tài sản tăng giá trị và không dễ ăn lời nhanh, lời đậm như trước đây. Bên cạnh đó, các tài sản không có giá trị khai thác thương mại sẽ có thể chôn vốn dài hạn ít nhất là 2-3 năm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì dự báo, lãi suất ngân hàng từ nay đến cuối năm sẽ không tăng, nhưng sang năm 2023 có thể tiếp tục tăng với mức tăng kỳ vọng 0,5-1%/năm. Vì vậy, cái mà nhà đầu tư cần xem xét kỹ lúc này là bài toán tài chính. Phải tính đến trường hợp nếu lãi vay có thể tiệm cận 18%/năm và khả năng gồng đến đâu trong dài hạn để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh.
Với các BĐS giàu tiềm năng và có giá thị khai thác thương mại tốt, nhà đầu tư có thể cân nhắc giữ lại chờ thị trường phục hồi thay vì bán rẻ lúc này.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó TGĐ Muonnha.com.vn, nếu nhà đầu tư đang sở hữu một BĐS tốt, có tiềm năng tăng trưởng và tạo ra dòng tiền thì có thể xem xét giữ lại. Còn với nhóm tài sản đầu cơ, nếu dùng đòn bẩy tài chính để gồng lỗ cần phải xem xét thu nhập có đủ khả năng trả lãi vay trong tương lai không hãy quyết định tiếp tục giữ lại. Nếu cảm thấy không trụ được, nhà đầu tư nên cố gắng thoát hàng càng sớm càng tốt để giảm nợ.
Nhìn nhận về tiềm năng của thị trường hiện tại, phó TGĐ Muonnha.com.vn cho rằng, vẫn có nhiều cơ hội cho người mua vững tài chính. Sự suy giảm thanh khoản gần đây phần nhiều là do tâm lý người mua BĐS bị ảnh hưởng khiến dòng tiền có xu hướng chuyển về thế phòng thủ, lựa chọn an toàn hơn thay vì đầu tư. Lực cầu vẫn có song niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường.
“Thị trường BĐS vẫn có tiềm năng nếu nhìn từ các chỉ số kinh tế. Chỉ số GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5-8,2% cùng với CPI từ 3,8-4,2% cho thấy bức tranh chung duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập người dân ổn định. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM lại cao. Với những đô thị lớn tập trung đông dân, kinh tế được đẩy mạnh đầu tư thì BĐS vẫn có nhiều cơ hội”, ông Quốc Anh nhận xét.
Phương Uyên
Xem thêm:
>> Nhiều Suất Bán “Cắt Lỗ” Nhà Đất Nhưng Thực Chất Vẫn Lời
>> Giải Pháp Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Thị Trường Bất Động Sản?