“Đòn bẩy” từ cơ sở hạ tầng
Trước đây, tại tỉnh Lâm Đồng, các nhà đầu tư thường chọn Đà Lạt làm điểm "tập kết”. Nhưng với tình trạng ngày càng ít quỹ đất đã đẩy giá mặt bằng chung lên cao, cùng sự quy hoạch ổn định khiến thị trường Đà Lạt dần mất ưu thế. Thay vào đó, hàng loạt “ông lớn” ngành địa ốc đã lựa chọn Bảo Lộc là nơi đổ bộ của làn sóng đầu tư mới.
Một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên sức bật cho Bảo Lộc là cơ sở hạ tầng, giao thông bài bản và đạt chuẩn, kết nối đa hướng, đa chiều, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, phát triển tam giác giao thương khu vực.
Từ TP.HCM đến Bảo Lộc hiện nay chỉ mất hơn 3 giờ đi xe ô tô. Trong tương lai, nếu tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc - Liên Khương hoàn thành, thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ đồng hồ.
Tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc - Liên Khương sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến TP.HCM - Ảnh: Internet
Ngoài ra, sân bay Liên Khương cũng là một yếu tố then chốt, các đường bay sẽ giúp đến Bảo Lộc giao thương hàng hóa nhanh hơn và đặc biệt giải tỏa áp lực cho các hãng hàng không Nam Trung Bộ đang ùn tắc tại khu vực Cam Ranh - Khánh Hòa.
Bảo Lộc cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư một số dự án quan trọng, có tính đột phá, như sân golf, khu nghỉ dưỡng, cảng hàng không, các khu du lịch.
Mới đây, ngày 10/10/2022, UBND thành phố Bảo Lộc đã phát đi Công văn số 2101/UBND-VP về việc tham gia góp ý báo cáo phương án phát triển thành phố Bảo Lộc, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng.
Theo Phương án phát triển thành phố Bảo Lộc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tổ chức lấy ý kiến, thành phố Bảo Lộc có nhiều định hướng quan trọng trong việc phát triển không gian.
Theo đó, cấu trúc đô thị thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các cụm động lực được kết nối bởi tuyến vành đai xanh.
Định hướng phát triển đô thị được xác định là đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng. Trong đó, thành phố Bảo Lộc là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh.
Vùng phụ cận sẽ phát triển theo định hướng nông nghiệp đô thị sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch nông nghiệp; nông nghiệp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc.
Cũng theo Phương án phát triển thành phố Bảo Lộc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021-2025, thành phố Bảo Lộc sẽ từng bước khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại 3 để lập đề án công nhận đô thị Bảo Lộc là đô thị loại 2 trước năm 2025. Giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ từng bước khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại 2.
Giàu tiềm năng bứt phá
Hội tụ thế mạnh về cơ sở hạ tầng, giá bất động sản Bảo Lộc đang có xu hướng tăng chóng mặt trong thời gian qua.
Bất động sản Bảo Lộc giàu tiềm năng bứt phá - Ảnh: Internet
Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá đất khu vực trung tâm TP Đà Lạt như khu Hoà Bình - Hồ Xuân Hương từ 400 - 500 triệu đồng/m2, các khu xung quanh giá dao động từ 150 - 250 triệu/m2. Giá đất thổ cư khu vực bán kính 7 - 10 km quanh trung tâm từ 60 - 100 triệu đồng/m2, đất vùng rìa thành phố có giá bán xấp sỉ 20 - 30 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát trên trang tin Muonnha.com.vn, tại Đà Lạt các dự án 1/500 đầy đủ pháp lý, quy hoạch đồng bộ, có các giá trị tiện ích cộng hưởng từ nội ngoại khu đều có bước tăng giá đột biến so với các khu vực khác. Điển hình như dự án Golf Valley của chủ đầu tư Trung Nam Đà Lạt có giá bán năm 2016 là 20 triệu đồng/m2, hiện tại giá bán là 235 triệu đồng/m2. Trong khi đó, dự án Khu biệt thự Đồi An Sơn của chủ đầu tư DIC giá bán là 30 triệu đồng/m2 năm 2018, thời điểm hiện tại giá giao dịch là 71 triệu đồng/m2.
Hiện tại giá đất tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà có giá bán trung bình từ 2 - 5 triệu đồng/m2.
Riêng tại TP. Bảo Lộc, giá đất trục Trần Phú là 6 triệu đồng/m2, đường nhánh chính như Hà Giang có giá bán từ 20 triệu đồng/m2. Đối với các đường nhánh chính như Nguyễn Công Trứ, Lý Tự Trọng, Phan Bội Châu… có mức giá giao động từ 80 – 219 triệu đồng/m2. Giá đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố có giá bán từ 40 - 50 triệu đồng/m2. Tại một số khu vực giáp huyện Bảo Lâm cách trung tâm thành phố từ 10 - 15 km giá bán đất có thổ cư đang giao động từ 15 - 20 triệu/m2.
Đón đầu thị trường giàu tiềm năng này, nhiều chủ đầu tư lớn đang kéo theo làn sóng tìm mua bất động sản tại Bảo Lộc.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, trong quý I/2022, thành phố Bảo Lộc có 958 bất động sản bao gồm đất nền và nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công. Bước sang quý II/2022, TP. Bảo Lộc có lượng giao dịch nhà đất tăng mạnh khi với 1595 giao dịch thành công trong đó 1.379 giao dịch đất nền và 216 giao dịch nhà ở riêng lẻ.
Có thể thấy, TP. Bảo Lộc là thành phố thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng với quỹ đất dồi dào, được tỉnh chú trọng đầu tư phát triển và thu hút các nhà đầu tư lớn của cả nước quan tâm. Song, giá bán bất động sản tại đây còn rất thấp, được xem là vùng trũng về giá so với tiềm năng mà thành phố đang có.
Thêm vào đó, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đang được ráo riết đẩy nhanh tiến độ để có thể khởi công vào năm 2023, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp kết nối tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam bộ nhằm kích cầu, phát triển mạnh du lịch, kinh tế - xã hội vùng. Đồng thời góp phần thay đổi gần như toàn bộ diện mạo của thành phố Bảo Lộc và tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản khu vực này phát triển mạnh thời gian tới.
Có thể thấy, được mệnh danh là “Đà Lạt” thứ hai, bất động sản Bảo Lộc ngày càng thể hiện sức hút của mình. Nơi đây hội tụ mọi ưu thế nổi bật để tạo nên không gian sống lý tưởng, cảnh quan xanh mát, khí hậu trong lành, cùng sức bật từ hạ tầng, phát triển kinh tế là bảo chứng cho tiềm năng tăng giá trong tương lai.