Thị trường gặp khó
Đầu tháng 4/2022, trước thực tế giá bất động sản liên tục tăng nóng, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022. Cùng với chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp thì đầu tư, kinh doanh bất động sản được xác định là ngành rủi ro, cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng. Không phải đến bây giờ Ngân hàng Nhà nước mới ráo riết kiểm soát tín dụng, từ năm 2020, nhằm chấn chỉnh hoạt động đầu cơ, tăng nóng của giá bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo về việc siết tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Đến năm 2022, các động thái kiểm soát trở nên mạnh mẽ hơn với công văn số 1976/NHNN-TTGSNH trước một thị trường vẫn phát triển đầy bất ổn. Cũng theo phát ngôn của lãnh đạo ngành Ngân hàng, việc kiểm soát được đặc biệt áp dụng với dòng vốn cho mục đích và các sản phẩm mang tính đầu cơ.
Thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn khó khăn
Động thái trên của ngân hàng đã khiến thị trường chậm hẳn lại, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đầu tư như bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền hay các sản phẩm mang tính thương mại như shophouse. Chị Nguyễn Thị Hải Anh, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch tại Hải Châu (Đà Nẵng) và là một môi giới chuyên bán biệt thự nghỉ dưỡng ven biển cho biết, 4 tháng đầu năm chị vẫn có giao dịch rải đều vào mỗi tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến hiện tại, là đã khoảng 3 tháng, chị không phát sinh thêm một giao dịch nào. Đáng nói, trường hợp chị Hải Anh không phải là cá biệt, rất nhiều môi giới cùng sàn với chị Hải Anh cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Nữ môi giới này cho biết đã đổ ra khá nhiều chạy quảng cáo trong suốt 3 tháng qua, cũng đã dẫn một số khách xem sản phẩm thực tế nhưng việc mua bán không thành công do ở khâu vay ngân hàng, khách không tiếp cận được nguồn vốn. “Các sản phẩm như biệt thự nghỉ dưỡng ven biển thường có giá trị rất cao, hơn chục tỷ đồng mỗi căn nên nếu không có sự hỗ trợ từ phía ngân hàng thì gần như rất hiếm khách sẵn sàng bỏ toàn bộ “tiền tươi” để mua”, chị Hải Anh chia sẻ.
Không chỉ môi giới biệt thự nghỉ dưỡng, môi giới các phân khúc có giá trị lớn như căn hộ khách sạn, shophoue, biệt thự, liền kề… cũng gặp khó trong việc tìm kiếm và tiếp cận khách hàng. Trong 3 tháng qua, nhiều môi giới đã “lỗ” khi đổ nhiều tiền cho quảng cáo nhưng không bán được hàng. Anh Phan Châu Giang (Hà Nội) cho biết các sản phẩm giá trị lớn đang thanh khoản rất khó. Bên cạnh vấn đề tín dụng ngân hàng bị kiểm soát thì việc nhiều doanh nghiệp bất động sản có người đứng đầu sai phạm bị pháp luật xử lý thời gian qua khiến nhà đầu tư có tâm lý e ngại. Cùng với đó, việc thị trường chứng khoán đỏ lửa khiến dòng tiền từ kênh này đổ sang bất động sản không còn dồi dào như các năm trước đó.
Môi giới chuyển hướng mưu sinh
Thị trường ghi nhận làn sóng nhiều môi giới chuyên bán các sản phẩm đắt đỏ chuyển hướng sang bán các sản phẩm hướng tới nhu cầu thực trên thị trường là các dự án căn hộ vừa túi tiền. Đây cũng là phân khúc không bị siết tín dụng bất động sản và vẫn ghi nhận giao dịch trong thời gian gần đây.
Nhiều môi giới chuyên bán các sản phẩm đắt đỏ chuyển hướng sang bán các sản phẩm hướng tới nhu cầu thực trên thị trường
Từ một người chuyên bán biệt thự trong 3 năm gần đây, từ tháng 5 năm nay, anh Phan Châu Giang bắt đầu bán thêm căn hộ. Anh tìm đến nguồn hàng thứ cấp tại các dự án mình từng tham gia bán hồi mới bước chân vào nghề môi giới bất động sản. Đây cũng là những dự án anh vẫn còn kết nối, mối quan hệ và hiểu rất rõ về sản phẩm. “Việc trở lại cũng không dễ dàng vì thị trường căn hộ không có dự án mới nhiều nên các dự án cũ khá đông sale bán, mức độ cạnh tranh cao. Sau hai tháng chuyển nghề, tôi và bạn mới chốt được một căn hộ cách đây 1 tuần”, anh Giang cho biết.
Cũng giống như anh Giang, chị Chu Cẩm Giang (Hà Đông, Hà Nội) cũng rời khỏi thị trường nghỉ dưỡng Quảng Ninh quay về Hà Nội để bán căn hộ giá rẻ. Hai năm trước, chị Giang rời Hà Nội về Quảng Ninh bán nghỉ dưỡng và xác định đây sẽ là thị trường trọng điểm để làm việc. Tuy nhiên, với việc thị trường nghỉ dưỡng Quảng Ninh gặp khó, chị chọn về Hà Nội, gia nhập với một nhóm chuyên bán giá rẻ với tâm lý xác định “cần có thu nhập để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này”.
Vũ Tuấn