Một khảo sát của Muonnha.com.vn cho thấy những “cuộc lên đồng” của thị trường đất tỉnh trong 2 năm đại dịch đã kéo theo làn sóng nhà đầu tư đổ về các địa phương săn đất. Làn sóng săn đất tỉnh giai đoạn này còn gắn với trào lưu “bỏ phố về quê”, “bỏ phố về rừng”. Những khu đất diện tích lớn, lên đến vài nghìn m2 được giới đầu tư, đầu cơ săn lùng trong giai đoạn này.
Đất tỉnh từng một thời sôi sục, nằm trong điểm ngắm của nhà đầu tư
Nhìn nhận về nhóm nhà đầu tư trên, chị Cao Thị Yến, môi giới đất Hòa Bình cho biết: “Khi làn sóng “ngôi nhà nghỉ dưỡng thứ 2” bùng nổ mạnh tại các thị trường tỉnh giáp ranh Hà Nội, nhiều nhà đầu tư tìm mua những mảnh đất vài nghìn m2, trong đó có một phần nhỏ đã lên thổ cư với mục đích bán lại ăn chênh cho người có nhu cầu làm ngôi nhà thứ 2. Một số nhà đầu tư thì mua với mục đích làm homestay cho gia đình nghỉ ngơi nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được. Nhóm nhà đầu tư với mục đích “bán ăn chênh” thì đã “lỡ” các nhịp sốt đất trước đó do tâm lý giá đất còn tăng. Nhóm nhà đầu tư mua với mục đích xây ngôi nhà thứ 2 thì vì nhiều lý do chưa kịp xây dựng. Họ đều đang muốn thoát hàng nhưng rất khó khăn khi thị trường trầm lắng”.
Gần một năm rao bán bằng với giá mua vào của năm 2020 không thành công, vợ chồng bà Ngô Thanh Minh, trú tại khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội) đã quyết định biến mảnh đất ở Lương Sơn (Hòa Bình) có diện tích gần 4.000m2, giá mua 13 tỷ đồng thành trang trại vườn – ao – chuồng. Vợ chồng bà mua khu đất này trong thời kì dịch Covid diễn biến kéo dài, xu hướng không gian sống thoáng đãng, gần gũi thiên nhiên, cách biệt thành phố lên ngôi. Hai vợ chồng kì vọng chỉ cần giá đất lên 20 tỷ đồng trong khoảng nửa năm đến 1 năm sẽ sang tay chủ mới. Thế nhưng, bài toán kì vọng đã không diễn ra, khi cơn sốt đi qua, vợ chồng bà rao bán bằng với giá mua vào nhưng không có khách chốt mua. Mệt mỏi với việc bán đất, vợ chồng bà đã quyết định chuyển đổi mảnh đất sang mô hình vườn – ao – chuồng để có thể thu thêm lợi nhuận hàng năm. Với quyết định này, hai vợ chồng tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ trong việc cải tạo, đầu tư mô hình và thuê người làm.
Giống như vợ chồng bà Ngô Thanh Minh, ông Nguyễn Đức Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã biến mảnh đất rộng hơn 2.000m2 được mua với giá gần 6 tỷ đồng vào đầu năm 2021 tại Ba Vì (Hà Nội) thành vườn cây ăn qua. Thời điểm đó, đất Ba Vì đang sốt, thu hút rất nhiều nhà đầu tư săn lùng. Mục đích ban đầu của ông Mạnh là làm homestay cho cả đại gia đình về nghỉ cuối tuần. Nhưng do việc kinh doanh cần đầu tư thêm vốn nên ông hoãn ý định làm homestay, tập trung nguồn lực cho việc chính. Sau một năm bỏ trống mảnh đất, rao bán nhưng không được giá cao so với giá lúc mua, ông quyết định biến mảnh đất thành vườn trồng cây ăn quả và thuê người dân địa phương trông nom, chăm sóc. “Thị trường giờ kém nên tôi nghĩ phải đợi từ 3-5 năm nữa, thị trường khởi sắc thì mảnh đất hơn 2.000m2 ở Ba Vì của tôi mới được giá. Khoảng thời gian chờ này, nếu để không, cỏ dại mọc um tùm rất lãng phí nên tôi quyết định biến thành vườn cây ăn quả”, ông Mạnh cho biết.
Nhiều khu đất đang được nhà đầu tư chuyển đổi thành vườn cây ăn quả, mô hình VAC sau khi rao bán bất thành
Một khảo sát của Muonnha.com.vn cho thấy, không chỉ với khu vực phía Bắc mà rất nhiều nhà đầu tư Hà Nội từng đổ tiền vào các vùng sốt đất phía Nam như Bình Thuận, Tây Nguyên với những mảnh đất lên tới vài ha thì nay không chịu bán lỗ nên chấp nhận biến đất thành vườn trồng thanh long, tiêu, trồng các loại cây ngắn ngày khác… Những cuộc chuyển đổi bất đắc dĩ này là cách nhà đầu tư giữ đất, gia tăng giá trị cho đất khi thị trường trầm lắng, việc giao dịch khó khăn.
Ông Phạm Trường Kim, giám đốc sàn giao dịch Thắng Lợi cho biết rất có thể cuộc chuyển đổi của các nhà đầu tư đất tỉnh sẽ kéo dài hơn dự tính. Nguyên nhân là bởi phần lớn nhà đầu tư đều mua vào thời kì giá cao, các vùng sốt phần lớn mang tính chất ảo, đầu tư theo tin đồn, đám đông, các xu hướng, trào lưu cũng chỉ mang tính nhất thời. “Thị trường sẽ cần vài năm để hồi phục. Khi hồi phục lại thì các sản phẩm nhu cầu ở thực sẽ lên ngôi, chứ chưa phải là các sản phẩm mang tính nghỉ dưỡng, ngôi nhà thứ hai “, ông Kim nhấn mạnh.
Khánh Chi
Xem thêm
>> Đầu Tư Thị Trường Tỉnh (Kì 1): Nhà Đầu Tư “Mua Đỉnh Bán Đáy”
>> Đất Nền Ven Đô (Kì 1): Ảm Đạm Như Mùa Đông Hà Nội
>> Đất Nền Ven Đô (Kì 2): Thay Vì Cắt Lãi, Nhà Đầu Tư Bắt Đầu Cắt Lỗ