Đó là thông tin do ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cung cấp. Ông Đông cho biết, đối với việc việc tổ chức lễ thông xe kỹ thuật, khánh thành tuyến chính của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đơn vị cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan nhà nước có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng.
Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông xe. Ảnh: báo Nhân Dân
Sau khi thông xe kỹ thuật, từ ngày 22 đến 31/1 (tức 20-29 tháng 12 âm lịch) sẽ cho phép xe được chạy theo chiều từ Trung Lương đi Mỹ Thuận; từ ngày 1 đến 15/2 (1-15 tháng 1/2022 âm lịch), xe chạy theo chiều ngược lại để giải quyết nhu cầu đi lại trong dịp Tết cổ truyền của người dân.
Ông Đông cũng cho biết, công ty đã kiến nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ việc điều chỉnh, đánh giá góp ý kiểm soát chất lượng công trình trước khi đưa vào thu phí.
Theo kế hoạch trước đó, dự án sẽ chính thức hoàn thành vào tháng 3/2022 sau khi thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng vẫn chưa phê duyệt đề án thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và một số khó khăn khác khiến công ty chưa thống nhất được phương án và vị trí xây trạm thu phí.
Được biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, tổng chiều dài 51km đi qua 5 huyện của Tiền Giang theo dự kiến năm 2013 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên dự án sau đó chậm tiến độ nhiều năm do nhà đầu tư thiếu năng lực, phải 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành dự án. Sau nhiều lần Bộ Giao thông vận tải thay đổi chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án, công trình được điều chỉnh nguồn vốn giảm xuống còn hơn 12.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2021, sau 12 năm thi công, dự án đã thông tuyến, tạo kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Dự án được đánh giá là tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng TP.HCM với miền Tây, giúp giảm tải cho quốc lộ 1A.
Hải Âu (TH)