Lo lắng cho con mình lần đầu lên thành phố sẽ “lạ nước lạ cái”, nhiều bậc phụ huynh đã chọn giải pháp cho con thuê nhà trọ ở cùng với chủ nhà. Tuy nhiên, đây có phải là một lựa chọn tốt?
Ở trọ nhà người quen, không hề đơn giản
Việc gửi gắm con mình ở trọ nhà người quen khi mới lần đầu lên thành phố học tập với suy nghĩ sẽ an toàn và dễ kiểm soát hơn là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh có con đi học xa. Với suy nghĩ rằng khi ở cùng người thân, người quen, con mình sẽ được chăm sóc, quan tâm nhiều hơn, sẽ tập trung hoc hành tốt hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, việc ở trọ ở nhà người thân quen không hề đơn giản mà vẫn ẩn chứa nhiều những vấn đề phức tạp khác.
Nên cho con ở chung với chủ nhà hay thuê nhà trọ riêng
Hãy lắng nghe câu chuyển của Hoàng Kim (sv đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM) chia sẻ:
“Hồi mới lên thành phố học, bố mẹ có gửi gắm mình ở nhà một người họ hàng với suy nghĩ rằng người thân quen sẽ giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình học hành tốt hơn. Mình cũng biết là đang trong vai ở nhờ nhà người khác (dù bố mẹ vẫn gửi tiền ăn thêm cho phía họ) nên ngoài giờ học mình cũng cố gắng phụ giúp được gì thì phụ từ dọn dẹp, nấu ăn, trông trẻ,… Được một thời gian, dường như mình “bị” mặc định phải làm tất cả những việc đó, nếu hôm nào về trễ hay bận mà không làm được thì bị nói bóng gió và nhìn với ánh mắt rất khó chịu. Mình rất stress nhưng ngại cũng người thân quen với bố mẹ nên không dám ý kiến, mãi đến gần giữa năm 2 mình lấy lý do đi làm thêm hay về trễ rồi mới xin được chuyển ra ngoài ở riêng,…”
Cùng trường hợp với Kim, thì Hoàng Lan (sv đại học Hutech) cũng lâm vào tình trạng bị bắt thành “osin” bất đắc dĩ khi ở nhà người cậu họ của mình. Bên cạnh ánh mắt khó chịu khi Lan không thể giúp đỡ việc nhà, gia đình người cậu còn tỏ ý luôn kiểm soát giờ giấc đi về của cô bạn khiến Lan cảm thấy rất tù túng, bức xúc.
Ở chung nhà với người quen rất dễ phát sinh nhiều mâu thuẫn
Hoặc đối với Hùng, cũng đã từng ở nhà người quen khi mới lên thành phố cho hay. Thời gian đầu mọi thứ đều rất tốt, chủ nhà cũng là họ hàng xa của gia đình. Bản thân gia đình của Hùng cũng biết điều khi vẫn gửi một khoản tiền ăn và ở hàng tháng. Tuy nhiên một thời gian sau đó phía người chủ nhà tỏ ý bắt đầu tính toán và chi li hơn trong tiền bạc và bắt đầu có những hành động, lời nói bóng gió với cậu khiến Hùng cảm thấy khó chịu và muốn dọn ra ngoài ở riêng ngay lập tức.
Hay cho đến những tình huống dở khóc, dở cười khi ở chung nhà với chủ trọ
Bên cạnh ở trọ nhà người thân, người quen thì một số phụ huynh có con lần đầu lên thành phố học xa còn thường có ý muốn cho con mình ở trọ chung với chủ nhà với suy nghĩ rằng sẽ dễ kiểm soát và giúp con mình tập trung học hành hơn là thuê nhà trọ riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ở chung nhà với chủ trọ cũng dẫn đến vô số chuyện khóc dở, mếu dở và khó chịu cho người ở như :
- Gặp chủ nhà quá khó tính, thích kiểm soát giờ giấc trong khi sinh viên thời nay thường phải tham gia nhiều hoạt động khác bên cạnh việc học ở trường, đi làm,…
- Chủ nhà thích soi mói, đặt điều.
- Chủ nhà có những quy định khắt khe, vô lý về giờ giấc, bạn bè đến chơi làm ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của sinh viên.
Có nên cho con ở trọ chung với chủ nhà?
Trên thực tế, bên cạnh những tình huống không ai muốn được chia sẻ ở trên thì việc ở cùng với chủ nhà dù là người thân quen hay không cũng vẫn có những ưu điểm như :
- Nếu may mắn ở chung với chủ nhà tốt, họ sẽ đối sử với con bạn như người thân trong gia đình và hỗ trợ rất nhiều trong quá trình học tập.
- Ở trọ chung với chủ nhà thì không gian nơi ở thường rộng rãi, thoải mái và thoáng mát hơn so với ở trọ riêng bên ngoài hay ở ghép.
- An ninh được đảm bảo tốt hơn, ít xảy ra các tệ nạn như trộm cắp,…
- Nếu ở cùng với người thân quen thì chi phí thường sẽ thấp hơn so với đi thuê nhà trọ bên ngoài.
Lời khuyên của Muonnha
Việc cho con mình ở trọ riêng hay ở chung với chủ trọ/người thân quen hay không phụ thuộc vào ý muốn của gia đình và với chính đứa con của bạn. Tâm lý phụ huynh thường sẽ luôn lo lắng khi để con lần đầu lên thành phố học tập, sinh sống một mình nên thường sẽ muốn cho con ở nhà người thân quen hay ở chung với chủ nhà để dễ kiểm soát hơn. Nhưng ở độ tuổi 18, Muonnha nghĩ rằng đây là một độ tuổi đã đủ trưởng thành và đủ chịu trách nhiệm để có thể bắt đầu một cuộc sống tự lập cho riêng mình nên việc ở chung hay riêng trên thực tế không phải là điều quá quan trọng nữa. Quan trọng là con của bạn có đủ kiến thức thực tế và những kỹ năng sống cần thiết để có thể sống tốt dù là ở một mình hay ở chung với ai.
Việc thuê nhà trọ ở riêng bên ngoài sẽ tập cho con bạn được tính tự lập và xử lý những tình huống trong cuộc sống tốt và từ đó sẽ giúp những bạn sinh viên trẻ trưởng thành hơn. Nếu quá lo lắng, bạn có thể cho con mình ở cùng với chủ nhà hay người thân quen một thời gian đầu để con bạn quen với nếp sinh hoạt và lối sống ở thành phố, rồi sau đó hãy để con thuê nhà ở riêng bên ngoài.