Theo đề án, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu thuộc các trường hợp quy định.
Đó là: người vào trực tiếp hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư; người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được tặng bằng khen từ cấp bộ trở lên; nhà văn hoá, nhà khoa học; người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống tại Việt Nam; người được chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam. Những tổ chức, cá nhân trên phải được phép cư trú, hoạt động tại Việt Nam từ một năm liên tục trở lên.
Việc mua nhà phải nhằm mục đích để cho bản thân và gia đình ở chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Người mua nhà được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời hạn tối đa 70 năm. Quá thời hạn trên mà không được phép gia hạn thì phải bán hoặc cho tặng, nhà ở đó cho người khác.
Cần lưu ý, cá nhân người nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở trong thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam và chỉ được bán sau một năm, kể từ khi được cấp “giấy hồng”. Họ được uỷ quyền cho người khác quản lý nhà, được thế chấp nhà ở, được để thừa kế và được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Trường hợp đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà được thừa kế hoặc được tặng cho nhà ở khác, họ chỉ được hưởng giá trị của ngôi nhà được thừa kế hoặc được cho đó (tức là quy ra tiền và nhận tiền).
Được sở hữu nhà tại VN nhưng người nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở trong thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam và chỉ được bán sau một năm, kể từ khi được cấp “giấy hồng”. Ảnh: minh họa |
Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được mua và sở hữu một hoặc một số nhà ở để cho những người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp đó thuê để ở. Các doanh nghiệp này không được mua nhà ở để bán lại hoặc cho những người nước ngoài khác ngoài doanh nghiệp thuê.
Bộ Xây dựng kiến nghị chỉ áp dụng cơ chế thí điểm này tại TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc nhất cả nước. Sau 3 – 5 năm thí điểm, chính phủ có thể tổng kết, đánh giá và áp dụng rộng hơn. Trường hợp không tiếp tục thực hiện chính sách này nữa, người đã mua nhà ở vẫn được thực hiện các quyền của chủ sở hữu đến hết thời hạn quy định.
Được biết, nhu cầu thuê nhà ở của người nước ngoài rất lớn, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, có khoảng hơn 220 ngàn m2 nhà ở tương ứng với khoảng hơn 1.300 nhà và căn hộ đang cho người nước ngoài thuê. TP.HCM có gần 4.000 căn nhà và căn hộ cho người nước ngoài thuê.