Đề nghị trên được UBND TP. Hà Nội nêu trong tờ trình gửi Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án này tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.
Theo tờ trình, đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8 km, gồm 7 dự án thành phần vận hành độc lập. Hình thức triển khai là đầu tư công kết hợp đầu tư PPP. Diện tích đất sử dụng khoảng 1.341 ha, trong đó có khoảng 816 ha là đất trồng lúa. Việc giải phóng mặt bằng sẽ được tiến hành theo quy hoạch gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên, chiều rộng mặt cắt ngang là 120 m.
UBND TP. Hà Nội đề xuất được thực hiện phân kỳ đầu tư, phần đường cao tốc quy mô 4 làn xe (phần đường rộng 17m, phần cầu rộng 17,5m), vận tốc khai thác khoảng 80km/h. Dự kiến tuyến đường chủ yếu đi trên cao, đoạn đi thấp dự kiến khoảng 37,43 km phục vụ nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất 2 bên không cao. Ngoài ra Hà Nội cũng đề nghị đầu tư hệ thống đường song hành 2 bên, mỗi bên 2 làn xe, nền đường rộng 12m.
Phối cảnh đường vành đai 4 Hà Nội. Ảnh: KTĐT
Về vốn đầu tư , theo phương án mà UBND TP. Hà Nội đề xuất thì giai đoạn phân kỳ dự án có tổng mức đầu tư là 87.098 tỷ đồng, giảm so với phương án đưa ra hồi tháng 1/2022 khoảng 8.700 tỷ đồng.
Với số vốn này, chủ đầu tư dự kiến huy động từ ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 là 32.514 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 14.250 tỷ đồng, ngân sách 3 địa phương là 18.254 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 vốn ngân sách dự kiến 24.240 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 14.125 tỷ đồng, ngân sách 3 địa phương là 10.115 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là 27.531 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần hợp tác công - tư (PPP) và 32% tổng mức đầu tư dự án tổng thể.
Về tiến độ , dự án được chuẩn bị đầu tư từ năm 2021, thời gian hoàn thành dự kiến là năm 2027 (đề xuất trước đó là năm 2028).
UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất được áp dụng một số cơ chế đặc thù đối với công trình, tương tự các cơ chế của dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 mà Quốc hội đã thông qua.
Đặc biệt, trong tờ trình UBND TP. Hà Nội đề xuất được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong giai đoạn triển khai đến khi hoàn thành dự án. Phạm vi áp dụng là các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay khi thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi các dự án khai thác quỹ đất 2 bên đường (dự kiến trong giai đoạn 2026 - 2030) có nguồn thu, các địa phương sẽ cân đối trả nguồn vay cho Chính phủ.
Ngoài ra, UBND TP. HN còn kiến nghị áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của Luật PPP để tăng tính khả thi khi triển khai dự án theo hình thức này.
Hồi đầu tháng 1/2022, Hà Nội gửi tờ trình đề xuất chia dự án thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức triển khai là hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án dựa trên quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP. Khi đó, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ trong giai đoạn phân kỳ là 95.425 tỷ đồng.
Hải Âu (TH)
>> Tiến độ đường Vành đai 4: lập hội đồng thẩm định báo cáo tiền khả thi
>> Tiến độ đường Vành đai 4: Hà Nội đã thông qua chủ trương