Anh John Tống ở Fort Worth (bang Texas) được người dì ruột cho thừa kế ngôi nhà mặt tiền rộng lớn ngay chợ Thủ Đức (TP.HCM). Mấy năm nay anh cứ chờ đợi những lần sửa đổi, bổ sung Luật Nhà đất xem có quy định nào phù hợp với anh. Theo luật hiện nay, anh không thuộc diện được đứng tên tài sản nhà.
Tính tới tính lui, khả năng cuối cùng có lẽ phải bán căn nhà trên, thế nhưng anh lại muốn giữ ngôi nhà của ba má anh ở lúc trước làm kỷ niệm. Anh tâm sự: “Bán đi thì dễ quá! Nếu được đứng tên nhà, tôi sẽ sửa nhà lại để ba má, vợ con tôi về nước chơi có chỗ cư ngụ đàng hoàng hoặc có thể làm kinh doanh gì đó sau này”.
Chưa có cuộc thăm dò cụ thể nào để ước lượng Việt kiều có ý định mua nhà trong nước. Tuy nhiên, nhu cầu người Việt ở nước ngoài muốn sở hữu nhà trong nước là điều có thật, nhất là những người sắp đến tuổi về hưu.
Ông Thanh Nguyễn 62 tuổi đã nhờ người em đứng tên mua giùm một miếng đất ở thị trấn Bến Lức để năm tới xin về hưu non về Việt Nam nghỉ ngơi. Ông nói: “Mấy đứa con tôi giờ đã có cuộc sống riêng. Như thế chúng tôi có hai chỗ đi về. Con cháu có thể về nước thăm cha mẹ, ông bà”.
Ấy vậy mà hiện nay chỉ mới có 140 Việt kiều mua nhà. Hẳn con số này đáng để các nhà làm luật cân nhắc. Những ý kiến e ngại thị trường địa ốc sẽ bất ổn khi mở cửa cho Việt kiều mua nhà xem ra không hợp lý!
Ở các nước khác, trong thực tế hiện nay có nhiều người Mỹ hoặc gốc Mỹ đang sở hữu nhà tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines hoặc các nước gần Mỹ như Mexico, Costa Rica, Panama.
Luật về nhà đất của các nước trên không phân biệt kiều dân hay người nước ngoài. Ai cũng có thể mua nhà để ở như mọi công dân trong nước. Riêng Mexico trước đây cho phép Mễ kiều hoặc người Mỹ mua nhà nhưng rồi bị luật an ninh nội địa ngăn cản. Cụ thể nhà mua phải xa 62 dặm cách biên giới trong đất liền hoặc 31 dặm cách bờ biển. Cuối cùng luật nhà đất dành cho Mễ kiều bị phá sản, buộc phải cải cách.
Theo Pháp luật TP