Người nghèo trắng tay
Trong căn nhà tạm vừa bị cưỡng chế, tháo dỡ, anh Mai Sỹ Huyên cho hay, từ năm 2009, anh vào Tp.HCM buôn bán hàng rong và làm mướn nhiều năm nên vợ chồng anh đã mua được mảnh đất gần 50 m2 của chính người chủ nhà mà anh ở trọ. Hai vợ chồng tích cóp vốn và vay mượn thêm để dựng lên một căn nhà tạm để cả gia đình trú mưa, trú nắng qua ngày.
Tuy nhiên, do việc mua bán đất chỉ là sang nhượng bằng giấy tay, hơn nữa việc dựng tạm căn nhà cũng không xin phép của chính quyền nên ở được khoảng gần 1 năm thì gia đình anh bị cưỡng chế, tháo dỡ. Anh Huyên tâm sự: “Mấy hôm nay trời mưa gió, gia đình chẳng có nơi nào để ở nên phải dùng mấy tấm bạt che tạm trên nền nhà cũ để trú mưa.
Chung cảnh ngộ, chị Hiền, hàng xóm của anh Huyên cũng sống trong nơm nớp lo sợ khi chính quyền phường có thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế căn nhà mà chị vừa vay mượn tiền để mua. Chị Hiền kể, sau khi rời quê Ninh Bình từ năm 1996 vào Tp.HCM làm mướn, buôn bán thì chị đã tích cóp được một ít tiền. Cuối năm 2015, chị chạy vạy vay mượn thêm được 580 triệu để mua căn nhà này.
Khi mua, ngôi nhà đã được xây dựng ổn định, có đồng hồ điện, nước nên chị cảm thấy yên tâm, song niềm vui chưa được bao lâu thì nhận được thông báo của phường 15 là nhà của chị nằm trong diện phải cưỡng chế, tháo dỡ do xây dựng không phép. Lúc này, cả gia đình bàng hoàng, cứ ngỡ gop góp mua được căn nhà để cha mẹ có thể yên ổn tuổi già nhưng toàn bộ những gì tích cóp được trong 20 năm ở đây cũng sắp tan theo mây khói… Chị Hiền nghẹn ngào: “Tại sao chính quyền không ngăn chặn từ khi họ bắt đầu xây nhà mà để xây xong cả năm, đến khi tôi mua lại căn nhà này thì chính quyền lại cưỡng chế? Nếu như chính quyền làm sớm hơn thì toàn bộ gia sản của gia đình tôi tích cóp, vay mượn lâu nay đâu lâm vào cảnh mất trắng như bây giờ".
Nhiều người dân ở Tp.HCM đã bị cưỡng chế, tháo dỡ căn nhà do mua bán nhà đất bằng giấy tay và xây dựng nhà không phép. Ảnh minh họa. |
Chính quyền khó xử
Được quy hoạch là đất cây xanh từ năm 1998, Ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp có tổng diện tích 40 ha. Người dân chịu nhiều thiệt thòi vì bị quy hoạch “treo” suốt gần 20 năm trời, không thể xây cất, sửa chữa nhà, do đó việc mua bán nhà, đất ở đây chủ yếu chỉ bằng giấy tay. Việc cưỡng chế, giải tỏa nhà xây dựng trái phép từ mua bán đất bằng giấy tay ở đây đã kéo dài nhiều năm. Hàng trăm hộ nghèo lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì trót vay mượn để mua đất, xây dựng nhà không phép trong khu quy hoạch “treo” là câu chuyện nhức nhối nhiều năm qua mà cả chính quyền và người dân đều không tìm thấy một hướng giải quyết thỏa đáng.
Năm 2013, khi khu vực này vẫn còn nằm trong diện quy hoạch đất cây xanh, phường 15 đã tiến hành cưỡng chế và giải tỏa hàng trăm hộ dân. Từ tháng 5/2013, Tp.HCM có chủ trương thay đổi quy hoạch thành khu hỗn hợp, gồm cả khu dân cư, cây xanh,… người dân vui mừng và tiếp tục mua đất, xây dựng nhà. Nhiều hộ dân ở đây phản ánh, trong quá trình xây dựng nhà, chính quyền không có ý kiến gì nên nghĩ là khu dân cư, vì thế họ xây nhà và chờ chủ trương để hợp thức hóa, bổ sung thủ tục... Thế nhưng, khi xây dựng xong và dọn về ở được một thời gian thì lại nhận được quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Gò Vấp cho hay, tình trạng xây dựng nhà tự phát ở ấp Doi đã nhiều năm nay. Phần lớn người dân đều là những hộ nghèo từ nơi khác đến làm ăn. Vài năm trước đây, phường đã thực hiện cưỡng chế ồ ạt theo chủ trương từ cấp trên nhưng sau đó việc cưỡng chế được tạm ngưng một thời gian do thành phố có chủ trương thay đổi quy hoạch, vì vậy phường tiến hành rà soát lại. Trên địa bàn ấp Doi hiện nay có khoảng 250 căn nhà đang nằm trong diện “treo” chờ cưỡng chế.
Nhưng chủ trương của phường là vận dụng mọi quy định để người dân có thể làm thủ tục, đồng thời hướng dẫn người dân làm các thủ tục để khắc phục, mục đích là để căn nhà của họ không bị cưỡng chế, giải tỏa. Sau khi điều chỉnh quy hoạch từ đất cây xanh sang khu hỗn hợp, đã có khoảng 100 hộ gia đình trước đây nằm trong diện cưỡng chế, tháo dỡ đã được cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng. Các hộ hiện nay vẫn nằm trong diện cưỡng chế, tháo dỡ đều là những hộ mới mua đất và mới xây dựng nhà sau này.
Ông Việt chia sẻ thêm, đa số bà con đều là hộ nghèo, chính quyền xuống vận động từng nhà, lắng nghe và chia sẻ với bà con, tuy nhiên vẫn phải tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ vì không có quy định nào có thể vận dụng để khắc phục những sai phạm này. Nhìn cảnh tượng đó cũng thấy xót xa nhưng không có cách nào khác. Để xảy ra tình trạng xây dựng nhà tự phát như hiện nay, nhiều cán bộ lãnh đạo của phường đã bị kỷ luật.
Nguyện vọng được sinh sống trong chính căn nhà mình tích cóp, dành dụm dựng nên của những người dân nghèo là một nguyện vọng hết sức chính đáng. Những người dân nghèo không hiểu biết pháp luật, họ tha phương cầu thực, dành dụm từng đồng tiền ít ỏi trong 20 năm mới có thể dựng được một căn nhà tạm. Thế nhưng chỉ với những chính sách quy hoạch thiếu nhất quán kiểu như 15 năm quy hoạch “treo” đất cây xanh khiến người dân không thể sửa sang, xây dựng nhà cửa, sau đó chuyển quy hoạch sang “khu hỗn hợp” dẫn đến nhiều hộ gia đình trước đó bị cưỡng chế, giờ có thể nằm trong diện được cấp phép, khắc phục. Song, vì đã bị cưỡng chế trước khi thay đổi quy hoạch nên tài sản của họ tích cóp trong ngần ấy năm đã tiêu tan một cách oan uổng.