Cụ thể, anh Tuấn mua căn hộ hơn 70m2 tại một dự án thuộc Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) và vào ở ổn định từ giữa năm. Mới đây, anh đọc được mẩu tin rao bán căn hộ của chính mình trên một website bất động sản (BĐS) cùng nhiều fanpage nhà đất với giá khá cao so với mức giao dịch hiện nay trên thị trường.
Khi gọi điện vào số di động đăng tin rao vặt ấy, anh Tuấn được biết đây là nhân viên môi giới một sàn giao dịch BĐS. Anh Tuấn hỏi về căn hộ đang được rao bán thì người này cho biết vừa bán xong và giới thiệu anh mua một căn hộ khác có giá rẻ hơn.
Anh Tuấn kể lại, khi anh yêu cầu anh ta không được tiếp tục đăng thông tin rao bán căn hộ của anh nữa thì người này giải thích, do căn hộ của anh Tuấn là căn góc, có hướng đẹp, được rất nhiều người hỏi nên anh ta rao để câu khách, nhưng nếu có ai hỏi sẽ tư vấn sang căn khác.
Tương tự, sở hữu một căn hộ tại dự án Green Star (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) và chuẩn bị nhận bàn giao, nhưng gần đây, anh Linh cũng bắt gặp một mẩu tin rao bán căn hộ của mình kèm theo số điện thoại được quảng cáo là "chính chủ" ngay phía dưới.
Căn hộ đã có chủ nhưng vẫn được một số môi giới rao bán với giá hấp dẫn, để gây sốt ảo cho dự án. Ảnh minh họa |
Theo lời kể của anh Linh, khi anh gọi điện hỏi thì môi giới cũng cho biết căn hộ đã được bán do có giá hấp dẫn. Rồi anh ta liên tục quảng cáo là căn hộ dự án này rất nhiều người muốn mua, chỉ cần đăng tải là vài ngày đã giao dịch thành công.
Sau đó, chủ nhân của căn hộ này cũng cảnh cáo nhân viên môi giới về việc tự ý rao bán nhà. Anh ta có xin lỗi và giải thích rằng không âm mưa hay ý đồ xấu gì, mà chủ yếu chỉ là để câu khách quan tâm dự án bởi căn hộ của anh nhỏ, lại có hướng đẹp nên nhiều khách có nhu cầu, mà trên thị trường hiện nay không còn nhiều.
Giám đốc Sàn bất động sản Linh Ly (Tố Hữu, Hà Đông) Nguyễn Quốc Trường cho hay, đây thực chất không phải là một chiêu mới của các môi giới BĐS. Môi giới đăng tin rao bán những căn hộ đẹp, hút khách nhưng đã có chủ nhằm vợt những người mua có nhu cầu tìm hiểu nhà tại dự án này.
Anh Trường lý giải, làm như vậy giúp họ có cơ hội tiếp cận khách để tư vấn về những căn hộ khác trong dự án. Bên cạnh đó, nếu người mua thấy căn nhà mới rao bán có vài ngày đã giao dịch xong có thể khiến họ cảm thấy dự án đang rất sốt, không mua nhanh sẽ hết nên sẽ chắc chắn sẽ quyết định xuống tiền nhanh hơn.
Còn ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn BĐS Maxland nhận định, đây là một trong những chiêu thức mà một số môi giới hay làm để gây sốt ảo cho dự án. Nhưng theo chuyên gia này, chỉ những nhân viên thiếu chuyên nghiệp mới làm cách này, thường chỉ diễn ra ở những sàn giao dịch nhỏ lẻ.
Theo ông Diễn, cách làm này sẽ khiến thông tin trên thị trường nhiễu loạn, khiến cho người mua không biết đâu là mức giá chuẩn đang được giao dịch trên thị trường. Thậm chí, chính các đơn vị phân phối dự án cũng gặp không ít khó khăn trong khi tư vấn cho khách vì những thông tin rao bán phá giá thị trường.