Ưu tiên người có công
Trong lần sửa đổi dự thảo Nghị quyết tới vẫn giữ nguyên 7 đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam như đã đưa ra, song cũng có một số điều chỉnh.
Cụ thể, sẽ quy định chi tiết tên gọi những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam bao gồm những ai, quy định rõ đối tượng là người nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam phải là những người vào đầu tư trực tiếp theo pháp luật đầu tư.
Ngoài ra, sẽ bổ sung thêm vào dự thảo đối tượng người nước ngoài được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp đó như tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh…
Riêng đối tượng là người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế liên Chính phủ hoặc tổ chức của Liên hiệp quốc đang thường trú tại Việt Nam, do khi còn giữ chức vụ thì đã được Chính phủ các nước hoặc Liên hiệp quốc bố trí nhà ở thông qua hình thức cung cấp kinh phí để họ thuê nhà ở hoặc bố trí ở tại trụ sở làm việc của các tổ chức đó nên những đối tượng này không có nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam nên không được xếp vào những đối tượng được mua và sở hữu.
Nhưng những trường hợp sau khi hết nhiệm kỳ công tác muốn được sinh sống lâu dài tại Việt Nam sẽ được phép được mua nhà ở. Những đối tượng này được xem là những người có công đóng góp cho mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước hoặc có công giúp Việt Nam phát triển kinh tế.
Bỏ quy định cụ thể đối tượng là chuyên gia có bằng đại học trở lên mà tuỳ từng lĩnh vực công tác họ sẽ được mua nhà ở như thuộc đối tượng là người vào đầu tư, người được các doanh nghiệp thuê hoặc người có công đóng góp đất nước...
Riêng đối tượng là người có công đóng góp với đất nước nhưng vì lý do nào đó chưa được nhận phần thưởng do Chủ tịch nước trao tặng thì được tách thành một đối tượng độc lập và quy định họ sẽ được mua nhà ở theo quyết định của Thủ tướng.
Thời hạn sở hữu tối đa 140 năm
Về đối tượng là các kiều dân nước ngoài sẽ tách thành một đối tượng độc lập và chỉ được mua và sở hữu nhà ở khi được cơ quan có thẩm quyền nơi cứ trú xác nhận là đã sinh sống liên tục tại Việt Nam từ 5 năm trở lên. Trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam nhưng không thường xuyên sinh sống tại Việt Nam mà sống tại nước ngoài thì không thuộc diện được mua nhà ở tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư mua nhà để cho người nước ngoài và người Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.
Ban soạn thảo Nghị quyết đang xem xét cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã mua nhà ở tại Việt Nam được quyền bán nhà ở khi gặp khó khăn do phải thu hẹp sản xuất hoặc giảm bớt nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra sẽ mở rộng quy định về nhưng đối tượng được hưởng thừa kế nhà ở không chỉ là những người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam...
Về thời thạn được sở hữu nhà ở, ban soạn thảo sẽ đưa vào nghị quyết quy định được gia hạn thêm 1 lần với thời hạn tối đa là 70 năm, như vậy, tổng thời gian được sở hữu nhà ở của người nước ngoài cao nhất là 140 năm.