Bất động sản công nghiệp và và logistics sẽ tăng vọt
Dù ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài - FDI) đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bất động sản công nghiệp và logistics sẽ được săn đón và tiếp đà tăng trưởng trong 2022
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết bất động sản công nghiệp và logistics sẽ tiếp tục tăng vọt trong năm 2022. Đây là phân khúc được săn đón trong vài năm qua và sẽ tiếp đà tăng trưởng khi những nhà máy sản xuất bắt đầu đặt cơ sở tại Việt Nam để phát triển công nghiệp. Điển hình là thông báo mới đây về việc nhà máy sản xuất LEGO sẽ được xây dựng tại Việt Nam và áp dụng tiêu chuẩn cao về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) vào thiết kế của họ.
Phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics cũng sẽ chào đón một số lĩnh vực mới. Thị trường sẽ có sự tăng trưởng về phân phối kho hàng và dịch vụ của thương mại điện tử cũng như logistics nhằm phục vụ thị trường trong nước, do đặc điểm địa lý của Việt Nam với các thành phố trọng điểm đều cần sự phân phối này. Các lĩnh vực có sự tăng trưởng khác có thể đến từ trung tâm dữ liệu (data centre) khi internet đang ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có một nguồn lớn để lưu trữ dữ liệu. Như vậy, có thể thấy rằng lĩnh vực data centre sẽ phát triển. Bên cạnh đó, các kho lạnh cũng có mối liên kết với thương mại điện tử. Các nhà bán hàng trên các trang thương mại điện tử phải tìm cách lưu trữ hàng hóa, và điều này dẫn đến việc gia tăng nhu cầu sử dụng kho lạnh.
Tình hình ngành công nghiệp tại hai miền có sự khác nhau
Miền Bắc đang thu hút nhiều vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, tập trung vào nhóm ngành thiết bị điện tử. Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành sản xuất khu vực phía Bắc nhận được nhiều vốn FDI đăng ký mới nhất cả nước, đạt 3,99 tỷ USD và chiếm 72,92%. Trong đó, thiết bị điện dẫn đầu các ngành hàng với mức đầu tư chiếm tỷ trọng 18%. Theo sau là máy tính và điện tử với 16%. Bên cạnh đó, 4 trên 5 dự án đầu tư lớn vào vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Bắc trong 9 tháng đầu năm đều tới từ nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Khu công nghiệp (KCN) Amata Quảng Ninh ghi nhận nguồn vốn hơn 498 triệu USD đến từ nhà đầu tư Jinko Solar cho lĩnh vực thiết bị điện. KCN Quang Châu của Bắc Giang được 2 nhà đầu tư lớn là Foxconn Technology và JA Solar Investment rót vốn lần lượt là hơn 270 triệu USD và hơn 269 triệu USD. Theo sau là BYD Electronics với hơn 269 triệu USD tại KCN Phú Hà, Phú Thọ.
Miền Bắc đang thu hút nhiều vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, tập trung vào nhóm ngành thiết bị điện tử
Trong khi đó, tình hình sản xuất ở vùng kinh tế phía Nam cho thấy một bức tranh khác. So với miền Bắc, các dự án đầu tư tại miền Nam trong 9 tháng đầu năm có quy mô vốn nhỏ hơn, vẫn tập trung chủ yếu ở các ngành sản xuất, chế tạo truyền thống. Nguồn vốn FDI đăng ký mới được phân bổ đồng đều cho các lĩnh vực nhựa và cao su, dệt may, thực phẩm, giấy và may mặc, quanh mức 2-3% mỗi ngành.
Trong số 5 dự án công nghiệp lớn nhất đầu tư vào miền, thực phẩm và đồ uống nhận được tổng vốn đầu tư lớn nhất với KCN Protrade Bình Dương nhận 78 triệu USD từ IDL Coffee Holdings và KCN Becamex Bình Phước nhận trên 36 triệu USD. Theo sau là ngành sản phẩm từ kim loại và giấy với 60 triệu USD cho mỗi ngành tại 2 khu công nghiệp Minh Hưng, Bình Phước và Lộc An-Bình Sơn, Đồng Nai. KCN Thành Công, Tây Ninh nhận 48 triệu USD cho ngành dệt may từ Top Sports Textiles.
Duy Bách