Thị Trường Đối Mặt Nhiều Thách Thức
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thị trường bất động sản đang đối mặt nhiều khó khăn. Hiện nguồn cung trên thị trường giảm mạnh do các dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công. Số liệu đến hết quý 3 năm nay cho thấy cả nước có 104 dự án đang triển khai. Con số này chỉ bằng 51% cùng kỳ so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại diễn đàn
Nguồn cung sụt giảm mạnh nhưng nguồn cung hiện hữu lại đang có cơ cấu bất hợp lý, mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường khi áp đảo là nhà ở cao cấp. Các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội với mức giá trung bình, phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân lại rất hạn chế. Do giá nhà đang ở mức cao nên đại bộ phận người dân khó tiếp cận. Điều này khiến lượng giao dịch giảm, nhất là trong quý 4 năm nay.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết một thách thức khác của thị trường là nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Trong khi đó, tỉ lệ hấp thụ trong quý 3 chỉ đạt hơn 30%. Con số này giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Các căn hộ có khoảng giá dưới 35 triệu đồng/m2, tổng giá trị dưới 2 tỷ đồng/căn - dòng nhà ở giá rẻ phù hợp với túi tiền người dân gần như biến mất khỏi thị trường.
Một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn và tồn kho lớn nhưng chủ yếu là sản phẩm trung gian. Tại một doanh nghiệp, các khoản phải thu ngắn hạn đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 20%; hàng tồn kho đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 25% .Tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đạt tới hơn 27.000 tỷ đồng, chiếm 86% tổng tài sản. So với đầu năm, con số này tăng mạnh 78%.
Giải Pháp Nào “Tháo Gỡ” Thị Trường BĐS?
Phát biểu tại hội thảo, Chủ Tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết Quản lý thị trường bất động sản không chỉ là kỹ thuật. Nếu quản lý không khéo, bất động sản sẽ gây áp lực lại cho nền kinh tế. Do đó, thị trường bất động sản cần nhanh chóng được tiếp cận giải pháp gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý và khơi thông nguồn vốn.
Các diễn giả thảo luận sôi nổi tại diễn đàn về các giải pháp tháo gỡ cho thị trường BĐS
Với thực trạng hiện tại, điều quan trọng tiên quyết là doanh nghiệp bất động sản cần kiểm soát được các rủi ro về dòng tiền, tỷ giá và lãi suất. Đặc biệt, vấn đề trái phiếu đang nhức nhối trên thị trường thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản thu hút nguồn vốn bằng trái phiếu cần có phương án xử lý để chi trả gốc và lãi cho nhà đầu tư đầy đủ khi đáo hạn. Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh đến các vấn đề minh bạch và chuyên nghiệp trong việc huy động vốn gắn với mục đích sử dụng cụ thể. Cùng với đó, doanh nghiệp phải quan tâm và xây dựng các phương án quản lý rủi ro tài chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần có thêm các chính sách, tính toán lại giá bán phù hợp.
PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng thị trường bất động sản 2022 đang điều chỉnh, nguyên nhân căn bản là do luồng tiền vận hành vào thị trường bất động sản giảm đi, không đạt được mức kì vọng tăng như cuối năm 2021. Trên thực tế, nguồn tiền này còn giảm thấp hơn mức cần thiết để có thể duy trì thị trường bất động sản vận hành.
Ông Chung cũng kiến nghị bản thân các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần nỗ lực để hướng đến tính chuyên nghiệp trong phát triển. Các giải pháp với bối cảnh hiện nay là điều chỉnh thị trường mục tiêu, điều chỉnh nguồn vốn thu hút cho doanh nghiệp và xác định nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, các nhà đầu tư thứ cấp, các tổ chức tài chính, các bên liên quan cần hướng tới góp phần làm thị trường công khai minh bạch. Các tổ chức tài chính cần hướng tới đa dạng nguồn tài chính cho thị trường bất động sản.
Nguyễn Nam
Xem thêm
>> Nhà Phố Dẫn Đầu Về Mức Độ Quan Tâm Và Tăng Giá
>> Hội Nghị Bất Động Sản Việt Nam - VRES 2022 Chính Thức Khai Mạc Tại Hà Nội