Kinh nghiệm đàm phán khi thuê nhà giá rẻ - Mặc dù thị trường nhà đất hiện nay hoạt động khá sôi nổi, nhưng để thuê được một căn nhà ưng ý với mức giá phù hợp lại là điều không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi người thuê phải có khả năng đàm phán tốt. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì dưới đây là các bước tiến hành trong cách thương lượng giá khi thuê nhà cần nhớ.
Tổng hợp kinh nghiệm đàm phán khi thuê nhà
Tiến hành khảo sát
Trước khi bắt đầu quá trình đàm phán, bạn nên trang bị cho mình càng nhiều kiến thức càng tốt. Hãy tiến hành khảo sát những khu vực phù hợp với khả năng chi trả của bạn và đừng quên tìm hiểu những bất lợi có thể gặp phải khi thuê nhà tại đó. Khi bạn đã thu hẹp được phạm vi tìm kiếm của mình, so sánh giá cả cũng như các tiện ích sẽ giúp bạn lựa chọn được một căn hộ phù hợp.
Linh hoạt
Trong nhiều trường hợp, nếu ký hợp đồng dài hạn, người cho thuê sẽ đồng ý giảm giá so với mức bạn phải chi trả nếu chỉ thuê một vài tháng. Thông thường, chủ nhà sẽ mong muốn ký hợp đồng lâu dài để giảm bớt thời gian và chi phí phát sinh trong thời gian chưa tìm được người thuê thay thế. Bên cạnh đó, đừng quên hỏi các quyền lợi khác như chỗ đậu xe miễn phí, sơn mới tường hay được dùng toàn bộ đồ đạc...Nếu bạn không yêu cầu, người thuê nhà có thể mặc định là bạn không cần đến những thứ đó.
Thể hiện sự đáng tin cậy
Vị chủ nhà nào cũng muốn người thuê nhà mình đáng tin cậy. Vì vậy, xuất hiện với một chiếc xe bẩn hay mặc một chiếc quần thể thao có thể tạo ấn tượng rằng bạn là người không sạch sẽ hoặc không thanh toán tiền nhà đúng hạn. Ăn mặc lịch sự và thể hiện là người chu đáo, đáng tin cậy sẽ giúp bạn dễ dàng thuyết phục được người chủ nhà hơn.
Hãy chứng minh bạn đang có một công việc ổn định với mức thu nhập gấp 2-3 lần tiền thuê nhà hàng tháng. Nếu bạn đang thất nghiệp hoặc trong tình trạng quá khó khăn về tài chính, những người cho thuê phòng sẽ thấy rủi ro khi để bạn ở lại nhà của họ.
Hạn chế xích mích, tranh cãi
Bạn đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lòng tốt và sự tôn trọng. Việc tranh cãi hay có phản ứng mạnh sẽ chẳng giúp ích gì cho việc đàm phán giá cả. Thể hiện thái độ tôn trọng và lịch sự có thể đem lại kết quả tốt hơn bạn nghĩ. Quan trọng hơn, một cuộc đàm phán sẽ dễ dàng thành công nếu lợi ích của cả hai bên được đảm bảo. Vì vậy, đừng bao giờ chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình, hãy nắm rõ những điều mình cần và linh hoạt trong thỏa thuận.
(Theo Muabannhadat.vn)